Các địa phương với nỗi lo thiếu giáo viên (Kỳ 2): Cần giải pháp linh động và phù hợp

Nguyễn Hiền| 30/08/2016 10:54

Có thể nói, trong điều kiện còn khó khăn chung của tỉnh về thiếu chỉ tiêu biên chế, các địa phương cũng cần có những cách làm phù hợp trong việc thực hiện chế độ cũng như phân bổ giáo viên để giảm bớt áp lực cho các trường đang thiếu.

ADQuảng cáo

Bất cập trong phân bổ giáo viên ở Đắk Glong

Huyện Đắk Glong được xem là địa phương đang thiếu số lượng giáo viên nhiều nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, do việc phân bổ giáo viên trong biên chế chưa phù hợp đã gây khó khăn cho nhiều  trường học trên địa bàn.

Giờ học của cô trò tại điểm Trường mầm non ở bon Kol Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Năm học 2016-2017, Trường mầm non Hoa Đào ở xã Đắk Som dự kiến có khoảng 400 trẻ theo học, chủ yếu là lớp chồi và lá, tăng 1 lớp so với năm học trước. Từ ngày thành lập đến nay, trường chưa nhận một lớp nào có trẻ 3 tuổi mà tập trung ưu tiên nhận hết trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Còn đối với trẻ 4 tuổi thì trường không dám nhận hết mà chỉ nhận theo thời hạn, nhưng cũng chỉ được khoảng 40% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn. Riêng năm học này, trường tuyển 7 lớp 5 tuổi, còn lại là lớp chồi.

Cô giáo Bùi Thị Nhài, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào cho biết: “Vì học sinh quá đông nên chúng tôi không thể nhận tất cả các cháu được. Có phụ huynh cầm hồ sơ tới năn nỉ “con em đăng ký 3 năm rồi mà chưa được học cô giáo ơi” làm tôi rất buồn và áy náy quá!”.  

Cũng theo cô Nhài thì nguyên nhân mà trường không thể nhận hết trẻ trên địa bàn là do thiếu giáo viên. Phòng học thì có thể mượn để khắc phục, nhưng thiếu giáo viên thì trường không thể làm gì được. Trường có 9 giáo viên đứng lớp được định biên, năm học 2015-2016 có 12 lớp học, theo quy định 2 giáo viên/lớp thì thiếu đến 15 giáo viên.

Sau nhiều lần kiến nghị, đề xuất, trường được phân bổ thêm 3 giáo viên hợp đồng, bảo đảm được 1 giáo viên/lớp. Năm học 2016-2017, với việc tăng thêm 1 lớp và cùng với 3 giáo viên hết hạn hợp đồng thì trường tiếp tục thiếu 19 giáo viên để bảo đảm 2 giáo viên/lớp theo quy định. Cũng vì thiếu giáo viên nên hầu hết cán bộ quản lý phải đứng lớp. Mỗi khi có họp hành hay tập huấn gì, trường lại huy động hết bảo vệ, kế toán, thủ quỹ lên trông lớp.

Điều đáng nói là vì thiếu giáo viên nên trường phải thực hiện dồn lớp, nên nhiều lớp có từ 38-42 trẻ (trong khi quy định là từ 30-35 trẻ/lớp). Số lượng trẻ đông, hạn chế về tiếng Việt nên giáo viên rất vất vả. Chỉ có 1 giáo viên/lớp nên gần như không có thời gian để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo chủ trương của UBND tỉnh thì năm học mới này, trường sẽ tiếp tục được phân bổ lại 3 giáo viên hợp đồng cũ, nhưng đến thời điểm này đã cận kề năm học mới mà vẫn chưa có quyết định. Vì yêu nghề nên một giáo viên hợp đồng cũ đã lên giúp nhà trường trong công tác tuyển sinh và dọn dẹp ở điểm trường.

ADQuảng cáo

Ưu tiên giáo viên biên chế cho những trường thuận lợi

Theo thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong thì năm học 2016-2017, số lượng giáo viên ở bậc THCS cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nhưng ở các bậc học khác vẫn còn thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non. Toàn huyện có 16 trường mầm non, với 123 lớp, khoảng trên 3.600 trẻ, tăng 10 lớp so với năm học trước. Toàn huyện hiện có 114 giáo viên và để đáp ứng nhu cầu năm học mới, hiện còn thiếu 159 giáo viên mới bảo đảm có 2 giáo viên/lớp theo quy định.

Điều đáng nói là trong khi còn gặp khó khăn về việc thiếu giáo viên thì địa phương lại thực hiện phân bổ giáo viên không đồng đều giữa các trường. Điển hình như trong năm học 2015-2016, Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Quảng Sơn có 6 lớp, nhưng chỉ được phân bổ 1 giáo viên trong biên chế. Trường mầm non Hoa Lan ở xã Quảng Sơn có 9 lớp, chỉ được phân bổ 4 giáo viên trong biên chế. Trường mầm non Hướng Dương ở xã Đắk Som có 8 lớp cũng chỉ có 5 giáo viên trong biên chế. Vì số lượng giáo viên trong biên chế quá ít nên hiện tại nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa vẫn thấp thỏm lo thiếu giáo viên, lo không kịp có giáo viên hợp đồng về để phụ trách các lớp.

Trong khi đó, một số trường nằm ở vùng trung tâm huyện, thuận lợi hơn lại được phân bổ nhiều giáo viên hơn. Điển hình như Trường mầm non Hoa Hồng ở xã Quảng Khê có 11 lớp, được phân bổ 18 giáo viên trong biên chế. Trường mầm non Hoa Quỳnh cũng ở xã Quảng Khê có 6 lớp, được phân bổ 10 giáo viên trong biên chế...

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Ba năm gần đây, bậc mầm non đều thiếu giáo viên, riêng năm nay thiếu hơn 100 giáo viên. Việc phân bổ giáo viên thì thường bố trí ở điểm dễ rồi đến các điểm khó. Mặc dù các trường ở trung tâm không thiếu trầm trọng như những trường vùng sâu, nhưng đều thiếu hết”.

Thực tế cho thấy, các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng vốn đã rất khó khăn. Vì vậy, với việc bố trí ít giáo viên phụ trách lại làm cho các trường càng khó khăn hơn, nhiều trẻ trong độ tuổi trên địa bàn cũng chịu nhiều thiệt thòi vì không được đến trường.

Cần có các giải pháp linh động

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, trong năm học mới 2016-2017, toàn tỉnh tăng khoảng 3.823 học sinh với trên 154 lớp. Trong đó, bậc mầm non có số lượng học sinh và lớp tăng nhiều, nhất là các huyện Tuy Đức, Đắk Glong. Vì vậy, đây cũng là hai huyện đang thiếu số lượng giáo viên nhiều nhất để đáp ứng cả số học sinh cũ và mới. 

Theo thống kê của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục – Đào tạo thì trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh cần bổ sung thêm 107 giáo viên mầm non để đáp ứng số học sinh tăng. Cùng với 241 giáo viên đã hết hạn hợp đồng thì tổng số giáo viên bậc mầm non còn thiếu là 348 giáo viên.

Trong đợt kiểm tra cơ sở vật chất và chuẩn bị cho năm học mới ở các huyện Tuy Đức, Đắk Glong gần đây, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Đối với 241 giáo viên mầm non đã hết hợp đồng sẽ được ký lại để bổ sung cho các trường. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu phương án điều chuyển giáo viên từ các huyện dư đến các huyện thiếu nhiều. Phương án cho hợp đồng theo thời hạn nhất định hoặc theo tiết đối với những giáo viên chưa có việc làm trên địa bàn cũng sẽ phần nào giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên trước mắt. Riêng đối với huyện Đắk Glong cần phải bố trí đồng đều lại số giáo viên giữa các trường để bảo đảm hoạt động giáo dục, giảm bớt nỗi lo và khó khăn cho các trường vùng sâu, vùng xa. Theo đó, huyện có thể áp dụng hình thức như cho giáo viên vùng thuận lợi biệt phái, tăng cường đến các trường còn thiếu theo thời hạn, kèm theo các chế độ hỗ trợ thích hợp. Huyện cũng có thể tiến hành việc điều chuyển tịnh tiến giáo viên giữa các trường để ít ảnh hưởng nhất đến đời sống gia đình của giáo viên.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương với nỗi lo thiếu giáo viên (Kỳ 2): Cần giải pháp linh động và phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO