Đắk Glong còn nhiều nỗi lo trong năm học mới

Nguyễn Hiền| 11/09/2018 09:37

Năm học 2018-2019, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) dự kiến có hơn 18.000 học sinh các cấp, tăng 1.076 học sinh so với năm học 2017-2018. Việc tăng số lượng lớn học sinh đồng nghĩa với tăng nỗi lo về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên.

ADQuảng cáo

Năm học 2017-2018, học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Quảng Sơn phải học trong phòng mượn của trường tiểu học

Phải sử dụng phòng học mượn

Cũng như những năm học trước, chuẩn bị bước vào năm học mới này, Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Quảng Sơn lại tiếp tục nỗi trăn trở về phòng học. Đến thời điểm này, nhà trường có 1.255 học sinh các khối lớp, tăng thêm 3 lớp so với năm học trước, trong khi số lượng và chất lượng phòng học không hề tăng, nên việc tổ chức dồn lớp là điều không thể tránh khỏi.

Theo Hiệu trưởng Lê Xuân Hùng, hiện trường có 16 phòng học nhưng chỉ có 6 phòng đạt chuẩn, 10 phòng mượn của các trường trên địa bàn. 3 phòng học mượn của trường THPT cơ bản ổn; còn 7 phòng mượn của trường tiểu học thì các em THCS phải ngồi học rất “hoàn cảnh”, vì chật chội, bàn ghế không hợp quy chuẩn. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm học nay, gây khó khăn cho trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tại, trường cũng đang được đầu tư xây dựng các phòng học mới, nhưng năm học mới này học sinh vẫn phải học ở các phòng học mượn.

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù hàng năm huyện Đắk Glong luôn ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, nhưng do lượng học sinh mỗi năm đều tăng trên 1.000 em, nên số lượng phòng học kiên cố và phòng chức năng đều thiếu. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 604 phòng học; trong đó có đến 337 phòng bán kiên cố và 23 phòng học tạm và mượn. Để giảm bớt khó khăn cho các trường, năm học 2018-2019, từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đầu tư trên 74 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có 84 phòng học mới.

Một giáo viên phụ trách 2-4 lớp

ADQuảng cáo

Qua ghi nhận tại chuyến công tác kiểm tra về chuẩn bị cơ sở vật chất của UBND tỉnh mới đây, hầu hết các trường học ở Đắk Glong ít nhiều đều thiếu giáo viên đứng lớp.

Trường mẫu giáo Hoa Mai ở xã Đắk Ha hiện có 12 lớp nhưng chỉ có 11 giáo viên đứng lớp. Theo quy định, trường thiếu 13 giáo viên để bảo đảm 2 giáo viên/lớp. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung cho biết: “Vì thiếu giáo viên nên hiện nay trường ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, còn trẻ 4 tuổi chỉ nhận thêm một số lượng nhất định. Riêng trẻ 3 tuổi theo điều tra có khoảng trên 100 cháu, nhà trường không thể nhận”.

Tương tự, Trường mẫu giáo Hoa Lan ở xã Đắk R’măng hiện có 280 trẻ phân đều ở 9 lớp. Nhà trường được phân bổ 8 biên chế, trong đó có 6 cán bộ quản lý và giáo viên. Tuy nhiên, vì một số người nghỉ sinh, nên hiện trường chỉ còn 2 giáo viên và 1 cán bộ quản lý và mỗi người phải phụ trách từ 2-4 lớp. Không những thiếu giáo viên, các lớp lại phân ra nhiều điểm trường nên trường càng khó khăn hơn.

Thiếu giáo viên đang là nỗi lo của Trường mẫu giáo Hoa Mai ở xã Đắk Ha

Qua mỗi năm nỗi lo càng nhiều hơn

Theo thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong, toàn huyện hiện còn thiếu 237 giáo viên các cấp; trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc mầm non thiếu 187 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 17 giáo viên và bậc THCS thiếu 33 giáo viên (chưa kể còn thiếu 41 nhân viên).

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cứ vào đầu mỗi năm học địa phương đều đứng trước nỗi lo về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. Qua từng năm nỗi lo càng nhiều hơn do lượng học sinh tăng nhanh. Vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên nên hầu hết các trường ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Trẻ ở các độ tuổi khác chỉ tuyển theo khả năng có thể của từng trường nên tỷ lệ huy động trẻ đến trường chắc chắn không được như mong muốn. Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu giáo viên. Hiện nay, huyện cũng đã đề xuất bổ sung thêm khoảng trên 150 giáo viên hợp đồng nhằm bảo đảm điều kiện tối thiểu cho các trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong còn nhiều nỗi lo trong năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO