Đắk Glong quan tâm nhóm giải pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS

Nguyễn Hiền| 18/05/2016 09:22

Với đặc thù có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Đắk Glong gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, qua từng năm thực hiện những giải pháp phù hợp và hữu hiệu, đến năm học 2015-2016, chất lượng giáo dục của huyện đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Trường tiểu học Quang Trung áp dụng phương pháp dạy học mới đối với lớp có đông học sinh DTTS

Theo thống kê, năm học 2015-2016, toàn huyện có trên 15.000 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, trong đó, học sinh DTTS chiếm trên 60%. Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện đã lập kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các nhiệm vụ chung như tổ chức cho cán bộ, giáo viên học tập chính trị đầu năm.

Ngoài việc dạy học, hầu hết giáo viên đã quan tâm đến hoàn cảnh của từng học sinh để kịp thời giúp đỡ, vận động khi các em có ý định bỏ học. Việc thực hiện đổi mới giáo dục chính là một trong những nội dung trọng tâm của các trường học.

Theo đó, giáo viên chú trọng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với từng đối tượng học sinh. 100% các trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin cả trong giảng dạy và quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phục vụ thiết thực cho giáo viên trong quá trình khai thác, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, nhất là sử dụng các phương tiện trực quan.

Ngoài ra, với từng bậc học, ngành Giáo dục địa phương đã lập kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp để thực hiện thành công từng mục tiêu đề ra. Theo đó, 14/14 trường mầm non đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

ADQuảng cáo

Các trường chú trọng tạo môi trường thân thiện, “xanh, sạch, đẹp” nhằm thu hút trẻ đến trường. Các lớp học được trang trí theo hướng mở, với các hình ảnh sinh động, gần gũi theo các chủ đề, chủ điểm của năm học, giúp trẻ vừa chơi vừa khám phá. Các nhà trường quan tâm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bằng cách thực hiện bán trú ở 100% trường học. Nhờ đó, trẻ được bảo đảm tuyệt đối về cả vật chất lẫn tinh thần để phát triển toàn diện, nhất là những trẻ có nhà xa trường. Đến nay, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống còn 6% và thể thấp còi xuống 7%. Tỷ lệ bé ngoan và cháu ngoan và chuyên cần đạt trên 93%.

Ở bậc tiểu học, các trường đã thực hiện có hiệu quả việc học tiếng Việt lớp 1 và Công nghệ giáo dục. Nhờ đó, những trường có đông học sinh DTTS đã từng bước khắc phục được tình trạng yếu tiếng Việt ở học sinh lớp 1. Các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên các trường được giao lưu, học hỏi và kịp thời cập nhật các phương pháp dạy học mới.

Những trường có nhiều học sinh DTTS cũng triển khai chương trình dạy học mới một cách linh hoạt để phát huy tính tích cực, chủ động của từng em như Trường tiểu học Vừ A Dính và Nguyễn Văn Trỗi, ở xã Đắk Som, Trường tiểu học Quang Trung, ở xã Đắk P’lao… Với việc tích cực đổi mới dạy học và quản lý nên việc duy trì sĩ số học sinh của bậc học đạt trên 99%.

Ở bậc THCS cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường chú trọng phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài thời gian học chính khóa. Trong quá trình áp dụng các phương pháp dạy học mới, giáo viên đặc biệt quan tâm đến học sinh DTTS, giúp các em kịp thời nắm bắt kiến thức cơ bản. Từ đó, hầu hết học sinh dân tộc thiểu số đã dần phát huy tính tích cực, chủ động trong các giờ học nên hạn chế được tối đa tình trạng  bỏ học giữa chừng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Glong thì trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, địa phương luôn quan tâm nhóm giải pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Cùng với việc hưởng lợi từ các chương trình, dự án, học sinh DTTS luôn được đặc biệt quan tâm trong quá trình học tập.

Việc triển khai các chương trình dạy học mới cũng được thực hiện sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Nhờ đó, qua từng năm, tỷ lệ học sinh DTTS chuyên cần đạt cao hơn và tỷ lệ học sinh bỏ học theo đó cũng giảm hẳn. Chất lượng giáo dục ở các trường được nâng cao, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ hơn nữa các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện và bền vững hơn, nhất là chú trọng phát huy hơn nữa vai trò và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong quan tâm nhóm giải pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO