Đi tìm "con chữ" giữa trời đêm

Nguyễn Hiền| 10/09/2020 08:36

Đối với nhiều người dân ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), nỗi khát khao biết chữ chưa bao giờ nguôi. Bởi thế, khi lớp học xóa mù chữ được mở, người trẻ, người già, những ai chưa biết chữ đều hào hứng tham gia.

ADQuảng cáo

Đúng 7 giờ 30 phút mỗi tối, 5 lớp học xóa mù chữ của Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản đã ổn định, trật tự. Tiếng học viên ê a, tiếng giáo viên giảng bài, ánh đèn điện xóa tan vẻ âm u, tĩnh lặng của không gian vùng đồi núi.

Xin các con đi học cùng

Gần 3 tháng nay, bà Triệu Thị Mai, dân tộc Dao ở thôn 4, xã Đắk Ha vẫn chăm chỉ theo hai con gái đi học. Bà Mai năm nay đã tròn 68 tuổi, trở thành học trò lớn tuổi nhất của lớp xóa mù chữ do Trường tiểu học-THCS Trần Quốc Toản mở tại xã.

Bà Triệu Thị Mai dù đã 68 tuổi vẫn mong ước đi học để biết chữ

Dù lớn tuổi nhưng bà Mai chưa nghỉ học một buổi nào. Sau một ngày dài miệt mài công việc nhà, nương rẫy, tối đến ba mẹ con lại chở nhau đi học chữ. Hôm nào các con bận việc hết, bà vẫn tự đi bộ đến lớp. Mất khoảng 30 phút, cùng một chiếc đèn pin bà Mai băng qua mấy con rẫy, mấy ruộng lúa mới đến được lớp học.

Bà Mai cười hồn nhiên như trẻ lại khi nhắc đến chuyện đi học của mình: “Tôi thích học lắm, mong ước lớn nhất của cả đời là được đi học đấy. Ngày xưa do quan niệm lạc hậu nên gia đình không cho con gái đi học. Vào đây lập nghiệp cũng do hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường nên tôi cũng không cho các con gái của mình đi học. Khi lớp xóa mù chữ mở, tôi thích lắm, nhưng ban đầu vẫn nghĩ mình già rồi, học hành làm gì nữa. Mấy hôm thấy các con đi học, chân lại vẫn muốn đi, muốn thực hiện được ước mơ biết chữ từ nhỏ của mình. Thế là, tôi xin các con đi học cùng. Học rồi thấy cô giảng cũng dễ hiểu lắm, thấy nhiều điều thật hay, thật ý nghĩa mà bây giờ mới được biết, tôi vui lắm!”.

Bà Triệu Thị Mai rất chăm chỉ học

Con gái của bà Mai là chị Đặng Thị Hiền năm nay đã 36 tuổi. Các con của chị Hiền đều đã lớn và đi học ở trường nội trú. Chồng chị Hiền cũng học đến lớp 5 nên luôn động viên vợ đi học cho biết chữ. Chị Hiền tâm sự: “Trước đây hai chị em đã được học một lớp xóa mù nhưng thời gian học ngắn nên chỉ biết viết được tên mình. Bây giờ, trường mở lớp nên tối tối, mình tranh thủ đi học cho biết chữ. Thấy hai chị em đi học, mẹ mình thích quá nên xin đi theo. Hôm nào bà cũng ăn cơm thật sớm rồi chờ mình qua đón đi học. Hôm nào mình bận, bà còn tự soi đèn đi bộ 3 - 4 km đến trường”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, phụ trách lớp học cho biết: “Sau buổi học thứ 2, cả lớp ai cũng bất ngờ vì thấy bà Mai đã lớn tuổi vẫn muốn học chữ. Bà đến lớp với trang phục truyền thống của đồng bào Dao, từ tốn và lễ phép xin cô giáo vào lớp học. Bà học không nhanh nhưng rất chăm chỉ, nghiêm túc”.

Vợ chồng ông Lý Diêu Vắn ngoài học trên lớp, về nhà còn nhờ cháu chỉ bài cho mình

Vất vả nhưng cố học cho biết chữ

Trong một lớp học khác do cô Nguyễn Thị Thủy chủ nhiệm, có một đôi vợ chồng trẻ người Mông luôn chọn cho mình một góc lớp để ngồi học. Bên cạnh là hai đứa con thơ, đứa nhỏ chập chững biết đi, đứa lớn năm nay vào học lớp mầm. Mặc các con leo trèo lên bàn, bá vai, bá cổ, hai vợ chồng vẫn chăm chỉ rèn từng nét chữ, đánh vần từng câu.

ADQuảng cáo

Cô Thủy cho biết, đây là gia đình học viên Hầu Thị Giàng và Giàng Sâu Sính. Ngày mới đến lớp, cả hai vợ chồng đều không biết chữ và thậm chí còn không biết cầm bút. Đến nay, vợ chồng Giàng đã tự viết, tự đọc được sách giáo khoa.

Học viên tham gia lớp học chủ yếu từ 30 đến 68 tuổi

Chị Hầu Thị Giàng chia sẻ: “Từ ngày có lớp học, vợ chồng tôi tranh thủ đi làm về sớm hơn một chút, cùng nhau chuẩn bị cơm nước để kịp giờ đi học. Nhiều hôm làm mệt nhưng cũng không muốn nghỉ học, vì sợ qua bài mất lại không hiểu. Có hôm học muộn, hai đứa con ngủ gục luôn trên bàn, trên tay. Vất vả nhưng vợ chồng tôi cũng cố học cho biết chữ, đi lên xã còn biết ký tên chứ bây giờ hiện đại rồi, cứ cầm tay điểm chỉ cũng ngại lắm”.

Hai vợ chồng Chảo Tả Mẩy và Lý Diêu Vắn cũng có mong muốn học chữ để có thể viết được tên mình và biết hát karaoke. Lý do có vẻ làm nhiều người buồn cười nhưng đó cũng là mong muốn của hầu hết các học viên khác.

Bà Tả Thị Mẩy cho biết: “Ở lớp có cô giáo bày cho, còn về nhà, tôi hay nhờ các cháu mình bày cho học. Ban đầu học cũng khó, rồi dần dần biết đánh vần, biết viết tên mình. Biết chữ rồi thấy làm gì cũng dễ hơn, có thể nhìn được chữ trên màn hình tivi mà hát karaoke cũng thấy hạnh phúc rồi”.

Vợ chồng anh Giàng Sâu Sính mang cả hai con nhỏ đến lớp

Giáo viên có thêm động lực, tâm huyết

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, phần lớn học viên tham gia lớp xóa mù chữ chỉ quen cầm cuốc, cầm dao nên tay rất cứng, không cầm được vật nhỏ như cây bút. Để khắc phục, những ngày đầu, giáo viên phải hướng dẫn học viên quấn thêm giẻ hoặc giấy để bút to hơn. Có học viên mắt mờ, cũng có học viên tai yếu, hay giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất yếu nên quá trình dạy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Giáo viên phải có phương pháp dạy học riêng, phù hợp mới đạt được hiệu quả. Quá trình dạy phải vừa nhẹ nhàng, động viên, khích lệ. Cũng có khi dạy mệt quá, chính các học viên lại phải động viên ngược lại giáo viên. Thấy hầu hết bà con, dẫu tuổi cao, dẫu con cái còn nhỏ nhưng rất quyết tâm học, nên giáo viên có thêm động lực, tâm huyết để đêm đêm thức cùng bà con.

Lớp học mở, bà con luôn đi học đầy đủ

Cô Đinh Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Trần Quốc Toản cho biết: “Hiện tại trường có 146 học viên tham gia học xóa mù chữ và chia thành 5 lớp, trong đó 4 lớp ở điểm trường chính và 1 lớp ở điểm trường phụ. Trường chọn những giáo viên tâm huyết, tận tụy, có phương pháp dạy học tốt để phụ trách các lớp.

Từ năm 2019 đến nay, trường đã mở được 8 lớp, thu hút 269 học viên. Bà con rất hào hứng tham gia lớp xóa mù chữ. Nhà trường hy vọng, sau khi kết thúc khóa học, bà con sẽ thành thạo các kỹ năng đọc, viết, qua đó góp phần vào công tác phổ cập giáo dục, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm "con chữ" giữa trời đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO