Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt

Nguyễn Hiền| 01/09/2018 08:40

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Đắk Nông dự kiến có 395 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT và Trung tâm GDTX với khoảng 167.655 học sinh, tăng trên 7.600 học sinh so với năm học 2017-2018. Đến thời điểm này, ngành Giáo dục đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện cho năm học mới.

ADQuảng cáo

Ngoài hệ thống trường công lập, các trường tư thục cũng góp phần tích cực trong bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới (Trường mầm non-tiểu học-THCS Hai Bà Trưng ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp được xây dựng khang trang, phục vụ năm học mới)

Trang bị cơ sở vật chất

Những năm trước đây, vì thiếu phòng học nên Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) phải sử dụng các phòng học không bảo đảm. Cùng với dãy phòng học cấp 4 xuống cấp, trường phải sử dụng thêm 2 phòng tạm được dựng bằng tôn ngay trong sân trường. Năm học 2018-2019, trường dự kiến có khoảng 400 học sinh, tăng 1 lớp so với năm học trước. Từ thực tế đó, ngay từ tháng 4, trường được đầu tư xây mới dãy nhà 8 phòng học hai tầng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Ông Đặng Xuân Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập cho biết: “Nhờ được xây thêm phòng học nên trường có điều kiện bố trí lại hệ thống lớp học hợp lý hơn. Với dãy phòng học có công trình vệ sinh khép kín mới, trường ưu tiên bố trí cho các khối lớp 1, 2 và 5. Các phòng học cấp 4 cũ và nhà tạm sẽ được sử dụng làm nhà hiệu bộ, bếp ăn bán trú. Một số phòng học cũ được sắp xếp làm các phòng chức năng, thực hành mà lâu nay trường chưa có như phòng tin học, thư viện”.

Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Gia Nghĩa, năm học 2018-2019, thị xã ưu tiên xây 18 phòng học, các nhà đa năng, hiệu bộ mới cho các trường thuộc các xã xây dựng nông thôn mới, hay ở vùng sâu, vùng xa. Các khu vực khác, thị xã tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên để tu sửa các phòng học cũ, cung cấp bàn ghế, máy vi tính cho các trường. Đến thời điểm này, thị xã cũng phần nào đáp ứng được số lượng phòng học, không áp lực quá nhiều so với những năm học trước.

Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) được xây mới 8 phòng học, đáp ứng nhu cầu tăng học sinh năm học mới

ADQuảng cáo

Tương tự, các huyện khác cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Điển hình như huyện Cư Jút đầu tư 21,9 tỷ đồng xây mới và sửa chữa các phòng học. Huyện Đắk Glong đầu tư trên 78 tỷ đồng xây dựng 84 phòng học mới, sửa chữa các phòng học cũ và mua các trang thiết bị, sách, vở...

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh được đầu tư xây mới 244 phòng học với tổng kinh phí trên 183 tỷ đồng; trong đó 149 phòng được xây dựng theo Đề án kiên cố hóa trường lớp học, giai đoạn 2017-2020. Các địa phương có số lượng phòng học được xây mới nhiều là huyện Đắk R’lấp: 49 phòng; Đắk Glong 42 phòng; Krông Nô 41 phòng; Tuy Đức 28 phòng; Đắk Song 26 phòng; Đắk Mil 21 phòng. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được nhiều trường thực hiện từ năm học 2017-2018 để xây dựng cổng, tường rào, sân trường và tu sửa các phòng học, công trình vệ sinh. Ngành Giáo dục cũng đầu tư trên 19,66 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị bổ sung cho các trường dân tộc nội trú và các trường THPT, thiết bị giáo dục quốc phòng...

Ngay trong dịp hè, nhiều trường mầm non đã nhận trẻ nhằm rèn nền nếp cho trẻ

Chuẩn bị tâm thế tốt nhất

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đã tập trung tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên các bậc học. Trong công tác chuyên môn, cán bộ, giáo viên được quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học như quan điểm, chủ trương và lộ trình thực hiện thay đổi sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả; tăng cường dạy học lấy học sinh làm trung tâm... Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các địa phương hiện nay là việc thiếu giáo viên đứng lớp ở hầu hết các bậc học, nhất là bậc mầm non.

Vì vậy, tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị năm học mới, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương cần tích cực thực hiện các giải pháp trong điều kiện có thể để bảo đảm cho trẻ trên địa bàn đến trường. Tỉnh đang chủ trương hợp đồng thêm trên 300 giáo viên nhằm tháo gỡ phần nào việc thiếu giáo viên hiện nay. Với số lượng giáo viên hợp đồng, ngành Giáo dục cần phân bổ ưu tiên vùng sâu, vùng xa, những trường đang thiếu nhiều giáo viên đứng lớp, bảo đảm tối đa số lượng trẻ được đến trường. Đây là năm học tiệm cận để chuẩn bị cho công tác thay sách giáo khoa mới vào năm học 2019-2020, nên toàn ngành cần chuẩn bị mọi tâm thế tốt nhất, bảo đảm thực hiện thành công lộ trình Bộ GD-ĐT đề ra. Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục phải luôn xác định, việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động giáo dục. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nên các địa phương cần tập trung đầu tư theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO