Đừng để con em bị áp lực về thành tích học tập

Ngọc Dũng| 14/06/2019 09:23

Những ngày gần đây, kết quả học tập của con em là chủ đề được nhiều phụ huynh nhắc đến. Cuối năm học, có phụ huynh vui vẻ, tự hào khi khoe thành tích học tập của con, cũng có phụ huynh tỏ ra buồn phiền vì kết quả học tập của con không như mong muốn.

ADQuảng cáo

Giáo viên Trường THPT Trường Chinh ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phân loại theo năng lực học sinh để có những hình thức ôn tập phù hợp

Con học nhưng điểm của phụ huynh

Tham gia buổi họp lớp cuối năm bậc tiểu học, nội dung được phụ huynh quan tâm nhất vẫn là điểm số học tập của con em mình. Gần như không một phụ huynh nào hỏi về sự tiến bộ của con cái trong quá trình học tập như thế nào. Mặc dù giải thích là theo quy định mới sẽ không đọc điểm số của học sinh nhưng do yêu cầu “mãnh liệt” của phụ huynh, giáo viên đành phải đọc điểm của từng em.

Đến lượt điểm con trai tôi với ba điểm 8 và một điểm 9, tôi thầm nghĩ trong lòng, vậy là con mình điểm khá cao, học giỏi hơn thế hệ mình trước đây. Không ngờ, nghe xong một lượt điểm mới biết điểm của con mình nằm trong tốp thấp của lớp. Có phụ huynh có con điểm cao hơn nhưng vẫn buồn phiền vì ít điểm 10. Nhiều em đạt một dãy điểm 10 làm những phụ huynh khác trầm trồ: “Thích nhỉ!”, “Ồ, con ai mà giỏi vậy?”.

Cung bậc cảm xúc của phụ huynh trong phòng họp gần như phụ thuộc vào số điểm của từng học sinh. Một phụ huynh ngồi cạnh tôi dù con đạt toàn điểm 9 và 10 nhưng vẻ mặt vẫn buồn rầu vì “không bằng con người ta”. Sau khi ra khỏi phòng họp, phụ huynh các lớp lại bắt chuyện nhau bởi những câu hỏi như: Con chị thi điểm cao không? Con anh thi thế nào? Bé được mấy điểm 10? Cháu được khen gì không?... Cô bạn quen của tôi vẻ mặt buồn bã, thở dài: “Con trai em năm nay lớp 4. Mấy năm cháu đều được khen xuất sắc toàn diện, năm nay lại không đạt”.

Phụ huynh cần hiểu, sự tiến bộ của con và các kỹ năng được trang bị mới là quan trọng

ADQuảng cáo

Có lẽ cũng vì là “trường hợp đặc biệt”, nên sau buổi họp, cô giáo chủ nhiệm đã gặp riêng tôi để giải thích vì sao con trai tôi không được nhận giấy khen. Lời cô giáo như mong nhận được sự thông cảm, phụ huynh sẽ không buồn, không giận... Tôi biết rõ về con trai mình ham chơi hơn ham học ở cái tuổi lớp 2 nên vẫn vui vẻ: “Tôi thấy cháu tiến bộ rất nhiều so với đầu năm học, đó là giấy khen quý nhất rồi cô giáo à”. Cô chủ nhiệm như thấy nhẹ nhõm hơn khi tôi nói vậy nhưng vẫn đượm buồn vì nghĩ đến những phụ huynh có con không được nhận giấy khen khác.

Lớp con trai tôi học có 40 em thì hơn một nửa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện (tương đương học sinh giỏi trước đây). Dù kết quả cao vậy nhưng tôi được biết, tỷ lệ vậy là vẫn bình thường so với các khối, lớp khác và trường khác. Áp lực về điểm số của phụ huynh cũng vô hình tạo nên áp lực đối với giáo viên. Nếu lớp phụ trách không đạt kết quả cao sẽ không chỉ ảnh hưởng đến đánh giá thi đua khen thưởng mà quan trọng hơn là năm học sau giáo viên đó sẽ ít được sự tín nhiệm của phụ huynh.

Học sinh Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vui chơi sau giờ học

Tạo những áp lực vô hình

Trong khi ngành Giáo dục đang áp dụng đổi mới cách đánh giá học sinh nhằm giảm sự so sánh, áp lực giữa các học sinh với nhau thì phụ huynh lại là những người vẫn còn mang nặng “tư duy điểm số” nhất. Phụ huynh nào có con được điểm cao, được khen đều tự hào và có cái để “khoe” facebook, zalo… Nhiều phụ huynh cho rằng, cứ con học có giấy khen và điểm cao xem như năm học ấy thành công và ngược lại. Chính suy nghĩ của nhiều phụ huynh như vậy đã vô tình đè nặng lên việc học của con em mình.

Có những câu chuyện nghe ngỡ như chuyện vui nhưng đọng lại là nhiều điều đáng suy ngẫm. Một người bạn của tôi kể về trường hợp của một cháu trai cạnh nhà. Năm nay cháu học lớp 7, khi mẹ đi họp phụ huynh, cháu ở nhà có vẻ nóng ruột. Người nhà hỏi ra mới biết, học kỳ I cháu không có giấy khen nên lo lắng không biết học kỳ II này liệu mình có giấy khen hay không. Và cách cháu chọn để đối diện khi mẹ về thông báo kết quả là mặc một quần jean dài, một áo tay dài để lỡ như bị đánh roi sẽ đỡ đau hơn. Câu chuyện dứt thì mọi người đều phá lên cười. Nhưng ngẫm lại, sâu thẳm trong lòng cháu bé kia là một áp lực vô hình về kết quả học tập. Cháu lo mình đạt kết quả không tốt thì ít mà nỗi lo bị phạt còn lớn hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh tư duy thoáng hơn, khi cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự tiến bộ trong học tập của con em. Các cháu còn nhỏ, không nên tạo áp lực quá nặng nề về học tập mà hãy tạo thói quen cho con tự ý thức được việc học là để chiếm lĩnh kiến thức, không phải vì điểm số, không phải vì... sợ bố mẹ hay cô giáo. Đây cũng là một trong những hình thức phối hợp với nhà trường trong việc hình thành tinh thần tự giác, tính tích cực, chủ động trong học tập cũng như trong cuộc sống của các học sinh. Mục tiêu của việc đổi mới toàn diện và căn bản mà ngành Giáo dục đang hướng đến cũng không ngoài những nội dung trên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để con em bị áp lực về thành tích học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO