Giáo viên tiếp cận và áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học mới

Nguyễn Hồng| 14/09/2020 09:47

Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giáo viên lớp 1. Nhằm chuẩn bị tốt cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, bước vào năm học 2020-2021, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có những bước chuẩn bị phù hợp với điều kiện thực tế.

ADQuảng cáo

Lựa chọn phương pháp phù hợp

Năm học 2020-2021, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) có 230 học sinh khối lớp 1.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Bé, Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố cơ bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Học sinh hình thành được nhiều năng lực như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Nghĩa) sử dụng linh hoạt phương pháp dạy học mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh

Ngoài ra, học sinh cũng hình thành được năng lực chuyên môn như ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất. Để giúp học sinh đạt được những năng lực trên yêu cầu giáo viên phải biết vận dụng phương pháp dạy học phù hợp.

Cô Lê Thị Luyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa tập huấn phương pháp dạy học nhưng giáo viên cũng không quá lo lắng. Bởi vì, qua các đợt tập huấn trước đây về sử dụng sách giáo khoa, tập huấn online, giáo viên đã được tiếp cận với phương pháp dạy học phù hợp. Điển hình như trong quá trình tập huấn sử dụng sách, người biên soạn sách đã trực tiếp cung cấp về cấu trúc sách, bài dạy, thiết bị đi kèm từng bài. Người biên soạn cũng phân tích, đưa ra nhiều phương pháp tiếp cận một bài học, phân tích cụ thể các tiết dạy minh họa...

Mỗi giáo viên được cung cấp đường link các tiết dạy mẫu của từng bài nên có thể tham khảo và vận dụng phù hợp vào thực tế tiết dạy của mình. Ngoài ra, nếu gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào liên quan đến phương pháp, tổ chuyên môn trường, giáo viên cốt cán của tỉnh, bộ phận chuyên môn cũng hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình”.

Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, phương pháp dạy học mới thực chất là vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học trên cơ sở vừa có tính kế thừa, vừa đổi mới. Những năm gần đây, giáo viên các cấp đã từng bước tiếp cận và áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học mới. Sách giáo khoa mới với lợi thế dạy theo hướng mở, phát huy hơn tính sáng tạo, tích cực, chủ động của học sinh, nên đòi hỏi giáo viên cũng sáng tạo lựa chọn phương pháp cho phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu nội dung bài học và với học sinh.

Sở GD - ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường về sử dụng phương pháp dạy học phù hợp khi Bộ GD-ĐT chưa có tập huấn phương pháp cụ thể nhằm giúp giáo viên chủ động hơn. Các cơ sở giáo dục hướng dẫn giáo viên chủ động lựa chọn, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, giáo dục đã được giới thiệu trong tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán và đại trà. Các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, giáo dục tích cực đã được giáo viên áp dụng trong những năm học vừa qua đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của chương trình mới để áp dụng phù hợp với đối tượng học sinh, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của đơn vị mình.

Các trường hướng dẫn giáo viên truy cập nền tảng tập huấn của Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam xem các tài liệu hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên và các video tiết dạy minh họa các môn học đối với lớp 1 để áp dụng các phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp. Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thường xuyên dự giờ, thăm lớp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện.

Giáo viên Trường Phan Đình Phùng ở xã Đắk D'Nrót (Đắk Mil) nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 mới trước khi bước vào năm học mới

Bảo đảm các điều kiện thực hiện chương trình

Cùng với hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên lớp 1, trước đó, ngành Giáo dục đã có những bước chuẩn bị tích cực giúp các trường đạt mục tiêu đề ra khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các cơ sở giáo dục tuyển chọn những giáo viên dạy lớp 1 phù hợp, có trình độ đào tạo đại học, đạt loại khá trở lên về đánh giá xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, các tiêu chí như phát triển chuyên môn nghiệp vụ phải đạt mức tốt.

Các trường ưu tiên lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, uy tín về chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với tâm lý học sinh lớp 1. Đối với những trường thiếu giáo viên, các trường đều phải ưu tiên bố trí đủ tỷ lệ giáo viên/lớp đối với lớp 1 để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu.

Từ năm 2019 đến nay, ngành Giáo dục đã triển khai tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó, tập huấn cấp trung ương cho 33 cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp phòng, quản lý cấp trường và 192  tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán.

Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn lại cho 286 cán bộ quản lý, 840 tổ khối trưởng và giáo viên cốt cán tiểu học. Từ đó, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán đã triển khai tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn đến 100% giáo viên tiểu học, trong đó ưu tiên bồi dưỡng 100% cho giáo viên được phân công dạy lớp 1.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên tiếp cận và áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO