Giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng qua đồ dùng, đồ chơi tự làm

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền| 21/02/2019 09:01

Việc giáo viên tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học ở các trường mầm non vừa tiết kiệm được chi phí, vừa góp phần phát huy tính tích cực chủ động của trẻ. Hưởng ứng phong trào, nhiều trường mầm non ở huyện Đắk Mil đã đa dạng hóa các hình thức, giúp trẻ tiếp cận với các đồ chơi, tăng tính trực quan sinh động.

ADQuảng cáo

Các đồ dùng, đồ chơi do giáo viên tự làm từ các nguyên liệu sẵn có hoặc rẻ tiền

Khi trẻ được trải nghiệm

Điển hình, Trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Đắk Mil đã tổ chức “Hội chợ đồ chơi” cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đây là một trong những hoạt động tạo cho trẻ hứng thú và háo hức chờ đợi mỗi tuần. Hội chợ nằm ngay trong khuôn viên trường, cạnh sát các lớp học.

Các gian hàng được bài trí xinh xắn theo chủ đề như: Phương tiện giao thông, trang phục, các loài hoa trái, củ quả, các loại cây xanh, vật dụng trong gia đình... Mỗi đồ dùng đều thể hiện rõ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của giáo viên. Đồ chơi, đồ dùng đều do giáo viên tự làm từ các nguyên vật liệu sẵn có hoặc rẻ tiền như vỏ chai, lọ, hộp sữa, thùng giấy, vải, len... Hàng tháng, giáo viên tập trung làm đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề nhằm đa dạng kho hàng cũng như giúp trẻ được trải nghiệm nhiều hơn.

Trẻ được tham gia quá trình giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi

Theo giáo viên của trường, sở dĩ gọi là “hội chợ” vì thông qua các đồ chơi tự làm, học sinh được trải nghiệm hoạt động mua, bán hàng. Giáo viên sẽ giúp trẻ phân biệt các vật dụng, công dụng của các đồ dùng, màu sắc, kích cỡ... Toàn trường hiện có 8 lớp, bình quân mỗi lớp sẽ được trải nghiệm 2 buổi.

ADQuảng cáo

Cô Phạm Thị Thái Kim Uyên cho biết: “Khi tham gia hoạt động trải nghiệm hội chợ trẻ rất hào hứng. Trẻ trai hay gái đều có những đồ dùng, đồ chơi phù hợp. Số lượng các đồ dùng, đồ chơi được thay đổi thường xuyên theo chủ đề làm cho trẻ không bị nhàm chán. Nhiều trẻ vốn nhút nhát nhưng sau thời gian tham gia chơi với bạn đã trở nên mạnh dạn hơn nhờ được tăng cường giao tiếp”.

Các gian hàng đồ dùng, đồ chơi được trưng bày theo chủ đề

Giúp trẻ phát triển các kỹ năng

Tại Trường mầm non Sơn Ca ở xã Đức Mạnh cũng rộn ràng mỗi khi đến các tiết học trải nghiệm. Các đồ dùng, đồ chơi được giáo viên trưng bày theo từng gian hàng và theo từng chủ đề. Đặc biệt, nhiều giáo viên thiết kế mỗi đồ dùng, đồ chơi gắn liền với một câu chuyện để làm hình ảnh kể cho trẻ dễ hình dung. Với cách kể chuyện như vậy đã tạo niềm hứng thú đối với trẻ. Đặc biệt, trẻ còn được tham gia các công đoạn đơn giản khi làm đồ dùng, đồ chơi nhằm rèn luyện tính cẩn thận, khéo léo, kích thích sự sáng tạo.

Trẻ trải nghiệm hoạt động mua-bán từ các đồ dùng, đồ chơi tự làm

Huyện Đắk Mil hiện có 21 trường mầm non và đều tích cực tham gia phong trào làm và sử dụng các đồ dùng, đồ chơi trong hoạt động giáo dục trẻ. Theo bà Bùi Thị Kim Phúc, chuyên viên phụ trách bậc mầm non của Phòng GD-ĐT huyện, từ hiệu quả thực tế, nhiều trường đã có những sáng tạo trong sử dụng các đồ dùng, đồ chơi để giáo dục các kỹ năng cho trẻ. Thời gian tới, phòng sẽ tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng dạy học nhằm phát huy tính sáng tạo của giáo viên cũng như giúp trẻ mầm non trải nghiệm nhiều hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng qua đồ dùng, đồ chơi tự làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO