Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Nguyễn Hiền| 30/05/2017 10:29

Những năm qua, mặc dù ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cần chung sức, vào cuộc quyết liệt để góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

ADQuảng cáo

Trường hợp học sinh bỏ học nhiều nhất là các em dân tộc thiểu số

Tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn phổ biến

Trong báo cáo sơ kết học kỳ và tổng kết năm học của Sở Giáo dục-Đào tạo nhiều năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm vẫn tương đối nhiều. Trường hợp học sinh bỏ học phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, nhưng chủ yếu là do học sinh có học lực yếu, hạn chế về khả năng tiếng Việt hoặc gia đình khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường xa, khó đi lại. Nhiều trường hợp học sinh bỏ học do tình trạng tảo hôn, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số như các xã Đắk Som, Đắk P’lao, Quảng Hòa (Đắk Glong)...

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, những năm qua, ngành Giáo dục đã thực hiện các giải pháp như tăng cường tiếng Việt, vận động học sinh đến trường... Riêng về học sinh dân tộc thiểu số, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 41 ngày 20/12/2012 về thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số từ năm học 2012-2013 đến 2015-2016” với việc hỗ trợ một số chính sách cụ thể. Tuy nhiên, số lượng học sinh bỏ học hàng năm vẫn còn cao, thậm chí còn có xu hướng tăng ở một số bậc học.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong học kỳ I, năm học 2016-2017, số học sinh bỏ học ở các bậc học đều có chiều hướng gia tăng. Toàn tỉnh có 653 học sinh bỏ học giữa chừng, chiếm 0,41%, tăng 165 học sinh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bậc tiểu học có 155 học sinh bỏ học, chiếm 0,23%, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước; bậc THCS có 370 học sinh bỏ học, chiếm 0,97%, tăng 0,29%; bậc THPT có 128 học sinh bỏ học, chiếm 0,74%, tăng 0,34%. Học sinh bỏ học đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Trước thực trạng đó, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND “Về việc tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Chỉ thị nêu rõ, việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, hội khuyến học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình có con em trong độ tuổi đi học thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm điều kiện cho con em đến trường. Các đơn vị tăng cường vận động các tổ chức, tập thể, cá nhân hảo tâm giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật được đến trường.

Riêng đối với Sở Giáo dục-Đào tạo cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm, khắc phục lối dạy học truyền thống, truyền thụ một chiều. Trong quá trình dạy, giáo viên cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào cuộc sống.

Cùng với đó, các nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục theo quy định. Ngành Giáo dục phổ biến, nhân rộng các biện pháp, giải pháp chống bỏ học đã thực hiện hiệu quả để các đơn vị vận dụng. Công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý học sinh và rà soát, theo dõi những trường học có số học sinh bỏ học nhiều cần được tăng cường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Ngành Giáo dục cũng cần có các hình thức biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt và kiên quyết xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm. Cán bộ, giáo viên cần hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của việc vận động học sinh đến trường,  thực hiện có hiệu quả “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì đang gặp khó khăn trong học tập”. Các trường học chú trọng thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn theo quy định cũng như tham mưu UBND tỉnh xử lý các khoản hỗ trợ cần thiết phù hợp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng: Cần sự vào cuộc quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO