Học sinh các cấp bỏ học giữa chừng gia tăng, vì sao?

Nguyễn Hiền| 30/06/2015 09:14

Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có trên 700 học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó tỷ lệ bỏ học ở bậc THPT lại có xu hướng gia tăng, gần 300 học sinh.

ADQuảng cáo

Cụ thể, tại Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) nằm ngay khu vực trung tâm, nhưng trong năm học vừa qua có đến 88 học sinh bỏ học, chiếm đến 12,6% tổng số học sinh của trường; trong đó, khối lớp 10 có 61 em, khối lớp 11: 20 em và khối lớp 12: 7 em.

Theo ông Trịnh Minh Đức, Hiệu Phó Trường THPT Gia Nghĩa thì tình trạng học sinh bỏ học diễn ra rải rác trong cả năm học. Trên cơ sở trừ những trường hợp rút hồ sơ chuyển trường và so sánh số lượng học sinh đầu năm với cuối năm học, nhà trường xác định được số học sinh bỏ học. Cũng theo ông Đức, với số lượng học sinh bỏ học trên, nhà trường cũng chưa có điều kiện đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân cụ thể cũng như vận động các em đi học lại.

Qua rà soát danh sách thì hầu hết những học sinh bỏ học đều tập trung chủ yếu ở những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại ở xa, trong khi các em phải học cả ngày. Cùng với đó, một số em vì học lực yếu nên không có hứng thú học tập cũng dễ bỏ học giữa chừng. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng học sinh năm học vừa qua bỏ học tăng cao hơn so với những năm học trước.

Tương tự, một số trường THPT khác cũng có số lượng học sinh bỏ học tương đối nhiều như Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đắk R’lấp) có 20 em; Trường THPT Phan Bội Châu (Chư Jút): 17 em; Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil): 17 em…

ADQuảng cáo

Qua thống kê, trong năm học 2014-2015, toàn tỉnh có trên 700 học sinh các cấp bỏ học giữa chừng; trong đó, riêng bậc THPT là trên 285 em, chiếm 1,6% tổng số học sinh cùng cấp.

Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh THPT bỏ học ngày càng nhiều do các em là lực lượng lao động chính ở một số gia đình. Cùng với đó, thực trạng thất nghiệp như hiện nay thì “niềm tin” vào nghề nghiệp tương lai của nhiều em là rất mờ nhạt, nhất là khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên nghỉ học để tham gia vào thị trường lao động tự do. Hiện tại, đơn vị đã chỉ đạo các trường học tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học để có hướng khắc phục, nhất là ở bậc THPT.

Thực tế cho thấy, nhiều trường tiểu học, THCS dù là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi có học sinh bỏ học, nhà trường và giáo viên đều đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động nhiều lần để các em đi học lại. Các trường cũng có những hình thức phụ đạo phù hợp cũng như kêu gọi, vận động phụ huynh, cộng đồng có những hình thức hỗ trợ nhằm giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến lớp, nên giảm thiểu được số lượng học sinh bỏ học qua từng năm.

Điển hình như Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa và Trường tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong). Tuy nhiên, đối với các trường THPT dù nằm ở địa bàn thuận lợi hơn, nhưng do không mấy quan tâm đến việc tìm hiểu, vận động nên dẫn đến gia tăng tình trạng học sinh bỏ học là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, nhiều trường cũng không hiểu rõ được nguyên nhân vì sao học sinh bỏ học giữa chừng mà chỉ đến cuối năm học mới liệt kê, xác định lại số lượng học sinh bỏ học để thống kê, báo cáo.

Có thể nói, hàng năm ngành Giáo dục đều đề ra kế hoạch để giảm thiểu số học sinh bỏ học giữa chừng, nhưng tình trạng này vẫn có chiều hướng ngày càng tăng, nhất là ở bậc THPT là điều đáng buồn. Vì vậy, bên cạnh có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, điều quan trọng trước tiên là các nhà trường cần quan tâm, động viên đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng để tiếp thêm niềm tin, tạo điều kiện cho các em được tiếp tục đến trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh các cấp bỏ học giữa chừng gia tăng, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO