Năm học 2016 - 2017: Nỗ lực cân bằng chất lượng giáo dục ở các vùng

Nguyễn Hiền| 01/09/2016 10:56

Trong năm học 2015-2016, ngành Giáo dục đã đạt được một số thành quả nhất định ở các bậc học. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm học mới 2016-2017, toàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Một buổi sinh hoạt đầu tuần tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Những kết quả nổi bật

Năm học 2015-2016, ngành Giáo dục đã có sự quan tâm đầu tư về mọi mặt. Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng không ngừng được quan tâm nâng cao về chất lượng. Với tinh thần tích cực đổi mới phương pháp dạy học đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.

Đối với bậc mầm non, 100% trường, lớp đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; 100% lớp 5 tuổi triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Tỉnh Đắk Nông là một trong hai tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên được Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm tra và công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Ở bậc tiểu học, toàn ngành tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả giảng dạy theo chương trình mới. Sinh hoạt chuyên môn được tổ chức theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, dạy học tích cực, trao đổi rút kinh nghiệm. Các trường học tích cực huy động xã hội hóa, kết hợp sự hỗ trợ của dự án nhằm tăng cường dạy học 2 buổi/ngày ở các trường học.

100% số trường sinh hoạt chuyên môn có chất lượng và xây dựng được các chuyên đề cho các môn học ở các khối lớp một cách phù hợp. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,3%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 96% và hoàn thành về mặt năng lực đạt trên 99%.

Giáo dục trung học cũng có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt. Hầu hết các nhà trường đã chủ động xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế cũng như sự phát triển năng lực của học sinh.

Việc đổi mới trong thi cử và kiểm tra đã giúp các trường kịp thời điều chỉnh về chất lượng giáo dục thực chất. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bậc THCS đạt hạnh kiểm tốt chiếm trên 82% và trên 45% đạt hạnh kiểm khá.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 đạt 90,5%. Nhiều lớp học ở các trường có tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng 100% như Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) và Trường THPT Krông Nô (Krông Nô)...

Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được đẩy mạnh ở tất cả các bậc học. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 90 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó, bậc mầm non có 14 trường, tiểu học có 43 trường, THCS có 26 trường, THPT có 7 trường.

Việc vận động trẻ em trong độ tuổi đến lớp được thực hiện chặt chẽ hơn

Quan tâm giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, trong năm học 2016-2017, ngành Giáo dục sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bám sát nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đã đề ra.

Cụ thể như rà soát và quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ; đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, dựa vào đặc điểm, điều kiện thực tế của mình, ngành Giáo dục cũng đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành cũng cần chú trọng hơn một số nhiệm vụ đặc thù đối với địa phương.

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được xem là nhiệm vụ quan trọng, chủ đạo của ngành trong năm học mới. Mục tiêu mà toàn ngành hướng tới là nhằm từng bước cân bằng chất lượng giáo dục ở các vùng, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng sâu, vùng xa học tập. Vì vậy, trước khi bước vào năm học mới, việc vận động trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến lớp được thực hiện chặt chẽ hơn.

Các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú, đa dạng và linh hoạt để thu hút trẻ đến trường, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng. Học sinh dân tộc thiểu số ở bậc mầm non và tiểu học được tăng cường tiếng Việt. Học sinh phổ thông sẽ được định hướng phân luồng hướng nghiệp phù hợp với năng lực của từng em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học 2016 - 2017: Nỗ lực cân bằng chất lượng giáo dục ở các vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO