Năm học 2017-2018: Giáo dục Đắk Nông đổi mới mạnh mẽ và toàn diện

Nhóm phóng viên thực hiện| 05/09/2017 16:20

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và nhiều chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Đây là năm học tiền đề, chuẩn bị để áp dụng chương trình giáo dục tổng thể vào năm học 2018-2019.

ADQuảng cáo

Chuẩn bị cho năm học mới, Trường mầm non Hoa Sen ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) được đầu tư xây dựng dãy nhà ba tầng gồm 56 phòng học và dãy hiệu bộ.

Xác định được tầm quan trọng của năm học, ngành Giáo dục đã chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục-Đào tạo và  bám sát thực tiễn địa phương, ngành Giáo dục tỉnh xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu chung là hướng đến là đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ và toàn diện. 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý giáo dục và đào tạo; Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo; Phát triển đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 391 cơ sở giáo dục, tăng 6 cơ sở so với năm học trước. Toàn tỉnh dự kiến có khoảng 165.823 học sinh các cấp, tăng 7.725 học sinh so với năm học 2016-2017. Để đáp ứng quy mô giáo dục cho năm học mới, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn ngành được đầu tư trên 153 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất; trong đó, xây dựng mới 133 phòng học, với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng. Các trường được xây dựng, sửa chữa các công trình hạng mục phụ trợ khác như thư viện, sân, tường rào, cải tạo xuống cấp trên 64 tỷ đồng. Toàn ngành đã đầu tư trên 23,7 tỷ đồng mua sắm sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, mua sắm các loại thiết bị mới cho trường mầm non, thiết bị bổ sung cho các trường phổ thông... Ngoài nguồn vốn ngân sách, các trường học đã huy động xã hội hóa để tu sửa các phòng học, xây dựng các công trình phụ trợ.

Số liệu học sinh toàn tỉnh năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

Trước thềm năm học mới, các trường ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã quan tâm vận động học sinh đến trường. Phần lớn học sinh dân tộc thiểu số được trang bị về tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Nhằm chuẩn bị tâm thế cho học sinh, các trường mầm non và tiểu học tổ chức tuần “học không”, bắt đầu từ ngày tựu trường. Các trường trung học tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học cho học sinh các khối lớp, nhất là các khối lớp đầu cấp.

Đối với đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục tổ chức các lớp học chính trị đầu năm ở tất cả các bậc học. Đội ngũ giáo viên được trang bị, cập nhật các phương pháp dạy học mới thông qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn và dài hạn ở trong và ngoài tỉnh.

Nhu cầu và thực tế giáo viên còn thiếu trên địa bàn toàn tỉnh

Khó khăn lớn của ngành Giáo dục Đắk Nông trong công tác chuẩn bị năm học mới là thiếu giáo viên, nhất là ở bậc mầm non. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, ngành đã được phê duyệt hợp đồng thêm 385 giáo viên mầm non; trong đó, hợp đồng mới là 144 giáo viên. Với số lượng giáo viên được bổ sung sẽ giúp các trường học giảm bớt áp lực về giáo viên.

Số liệu giáo viên toàn tỉnh năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018

NỖ LỰC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Mục tiêu nâng cao chất lượng được thể hiện xuyên suốt trong 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc phát triển đội ngũ và đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, ngành Giáo dục tập trung đổi mới căn bản công tác quản lý, thể hiện ở việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động cho các cơ sở giáo dục. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động liên quan. Đây là hình thức để giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn, vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học mới một cách phù hợp, hướng đến mục tiêu chung là phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Việc đổi mới cơ bản và toàn diện công tác quản lý sẽ được thực hiện ở việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiêm túc thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai có hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách ưu đãi đối với học sinh thuộc diện chính sách xã hội, vùng dân tộc thiểu số; đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

4 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông trong năm học 2017-2018

Năm học 2017-2018, trên tinh thần các nhiệm vụ trọng tâm do Bộ GD-ĐT đề ra và  cùng với thực tiễn địa phương, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ gồm:

1. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý giáo dục đào tạo:

Tăng quyền tự chủ, tự chịu trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiêm túc thực hiện các quy định của luật Phòng chống tham nhũng, luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đã đối với học sinh thuộc diện chính sách xã hội, học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực hiệu quả. 

2. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo:

- Giáo dục mầm non: Tăng cường công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Giáo dục phổ thông:

+ Giáo dục tiểu học: Duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 trong năm 2018; tăng cường công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

+ Giáo dục trung học: Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng cường công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ phương pháp dạy học, đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực.

+ Giáo dục thường xuyên: Bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được tiếp cận nâng cao kiến thức, trình độ…

3. Phát triển đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục:

Ngành Giáo dục tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn...

4. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính:

Ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập; tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2017-2020…

Việc đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo là hình thức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đó, cùng với nhiệm vụ chung là duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục bậc học, các trường tăng cường nguồn lực cả về vật chất và công tác chuyên môn để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mỗi cấp học dựa vào điều kiện cụ thể của mình thực hiện các giải pháp đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về phương pháp dạy học, đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh. Cùng với nhiệm vụ chung, mỗi bậc học có nhiệm vụ riêng để nâng cao chất lượng so với những năm học trước.

Đối với bậc mầm non, ngành tập trung duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Song song với đó, các trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đối với bậc tiểu học, ngoài việc tăng cường tiếng Việt và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các trường nâng cao hiệu quả đánh giá theo hướng giúp học sinh phát triển toàn diện. Đối với bậc trung học, toàn ngành tập trung đổi mới dạy học theo hướng liên môn. Đây cũng là bước chuẩn bị tiệm cận cho việc dạy học tích hợp theo định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong quá trình dạy học, các trường thực hiện phân hóa học sinh theo năng lực để có phương pháp dạy học phù hợp, giúp học sinh phát huy hết lợi thế, sở trường, thế mạnh của mình ở các môn học kể cả môn văn hóa và môn năng khiếu. Đây được xem là hình thức để định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh, theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục tổng thể.

Số liệu giáo viên mầm non toàn tỉnh năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018

Số liệu giáo viên tiểu học toàn tỉnh năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018

Số liệu giáo viên THCS toàn tỉnh năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018

Số liệu giáo viên PTTH toàn tỉnh năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CHO NĂM HỌC MỚI

TUY ĐỨC VƯỢT KHÓ, BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP CHO HỌC SINH

* Sáng 5/9, hơn 700 học sinh; trong đó có trên 50% là học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ, cùng 31 cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Ama Trang Lơng, xã biên giới Quảng Trực, Tuy Đức (Đắk Nông) đã tham dự khai giảng năm học mới 2017-2018.

Học sinh Trường tiểu học Ama Trang Lơng thức dậy sớm để đến trường dự khai giảng

Video học sinh Trường tiểu học Ama Trang Lơng đến trường dự khai giảng năm học mới:

Thầy Nguyễn Hồng Phú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ama Trang Lơng cho biết: Năm học 2017-2018, trường triển khai áp dụng mô hình VNEN cho khoảng 50% số lớp và sử dụng sách giáo khoa hiện hành. Đây là năm đầu tiên trường triển khai thực hiện mô hình VNEN nên sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho nhà trường. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số của trường lớn, khả năng tiếng Việt còn hạn chế và chất lượng học sinh không đồng đều nên việc tổ chức các hoạt động để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức sẽ gặp khó. Để có một tiết dạy tốt theo mô hình VNEN, giáo viên cần phải hướng dẫn cho học sinh một khoảng thời gian nhất định trước khi dạy. Nhà trường sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm của các trường bạn để triển khai thử nghiệm mô hình VNEN.

Mẹ đưa con đến trường dự khai giảng năm học mới

* Trong ngày hội tựu trường, toàn huyện Tuy Đức có khoảng 13.800 học sinh, với 468 lớp, cùng 802 cán bộ, giáo viên bước vào năm học mới. Năm học 2017- 2018, ở bậc mầm non  có 14 trường, với 145 lớp, khoảng 4.016 trẻ (Hệ công lập: 11 trường với 138 lớp, 3.894 trẻ; Hệ tư thục: 3 trường, 7 lớp, 122 trẻ), tăng 1 trường, 76 trẻ so với năm học trước. Bậc tiểu học có 249 lớp, với 6.937 học sinh thuộc hệ công lập; tăng 5 lớp với 332 học sinh so với năm học trước. Bậc THCS có 74 lớp, với 2.856 học sinh thuộc hệ công lập, tăng 264 học sinh so với năm học trước. Huyện đã tiến hành cấp xong sách giáo khóa cho học sinh thuộc diện chính sách theo quy định. Hiện nay, huyện còn thiếu 96 giáo viên mầm non và 19 giáo viên tiểu học. Vì vậy, một số trường phải dồn lớp, hoặc bố trí dạy thay, dạy gác. Ngành giáo dục huyện đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn hoặc khu vực, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn.

Số liệu học sinh huyện Tuy Đức năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

Để bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học 2017-2018, toàn huyện đã xây mới và đưa vào sử dụng 35 phòng học, với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng đủ phòng học để thực hiện dạy học 2 buổi. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng như: phòng làm việc của cán bộ quản lý, nhân viên, phòng họp, phòng học bộ môn, thư viện và một số công trình phụ trợ khác; trang thiết bị phục vụ dạy học.

ĐẮK GLONG KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC SINH PHẢI DỰNG LÁN TRẠI ĐỂ THEO HỌC

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong: xây dựng thêm 6 phòng bán trú, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, giường ngủ, chăn màn...phục vụ học sinh.

Quảng Hòa là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Glong. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất, những năm qua, gần 100 học sinh ở những thôn, bon xa điểm trường phải tự dựng lán trại để  theo học. Điều này đã dần được khắc phục.

Các phòng bán trú ở Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa đã có giường ngủ nên học sinh không còn phải ngủ trên sạp ván ghép như năm học trước.

Ngày khai giảng năm học mới 2017 - 2018, 537 học sinh cùng 20 cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong có thêm niềm vui, động lực khi được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ để xây dựng 6 phòng bán trú, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, có giường ngủ hai tầng, chăn màn, ghế…để phục vụ học tập và sinh hoạt cho học sinh. Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh lên lớp của trường đạt 98%, số học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn. Trong năm 2017-2018, nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy, học bằng việc đẩy mạnh và thực hiện tiêu chí “dạy thực chất, học thực chất”. 

Vì xa trường, Anh Giàng Seo Dơ ở thôn 12, xã Quảng Hòa chuẩn bị cơm nước cho hai con để kịp giờ khai giảng năm học mới.

Theo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong, năm học 2017-2018, toàn huyện có 41 trường học các cấp với gần 15.741 học sinh.  Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng mới và sửa chữa hệ thống các phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác dạy, học trên địa bàn.

Số liệu học sinh huyện Đắk Glong năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN, XÃ ĐỨC MINH (ĐẮK MIL) XÃ HỘI HÓA ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Năm học mới, Trường THCS Chu Văn An, xã Đức Minh (Đắk Mil) có khoảng 1.000 học sinh, với 30 lớp học từ lớp 6 đến lớp 9.

Thông qua nguồn vốn xã hội hóa, năm học mới này, Trường THCS Chu Văn An đã có khu vui chơi, tập luyện thể thao

Theo thầy Hoàng Viết Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, việc tự chủ về các hoạt động giáo dục được nhà trường thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước như tự chủ về biên chế cán bộ, giáo viên và tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quỹ lương. Năm học trước, trường kêu gọi xã hội hóa để xây dựng thêm phòng học vì số học sinh ngày càng tăng và cả xã mới chỉ có 1 trường THCS.

Video một số hoạt động dạy và học tại Trường THCS Chu Văn An:

Năm học này, do hết quỹ đất xây phòng học, nên phụ huynh học sinh đóng góp để xây dựng khu nhà phục vụ nhu cầu học thể dục, vui chơi cho các em. Nhà trường tiếp tục chú trọng sử dụng kinh phí ngân sách được giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ và thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục, từng bước nâng cao điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ghế đá do phụ huynh tặng là nơi các em nghỉ ngơi trong giờ giải lao

* Năm học 2016-2017, chất lượng học sinh của huyện Đắk Mil được nâng cao. Ở bậc THCS, toàn huyện có 7.147 học sinh; trong đó, về học lực có 631 em giỏi (8,83%), khá 2.707 em (37,88%); trung bình: 3.203 em (44,82%), yếu 590 em (8,26%) và kém 16 em (0,22%). Ở bậc tiểu học, số học sinh cuối năm học có 10.968 em; trong đó xếp loại hoàn thành là 10.694 em và chưa hoàn thành là 274 em.

Năm học mới 2017-2018, toàn huyện Đắk Mil có 54 trường học các cấp từ mầm non, tiểu học và THCS. Quy mô các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng và phát triển. Toàn huyện có khoảng 24.171 học sinh; trong đó, bậc mầm non: 5.586 học sinh (tăng 43 em so với năm học 2016-2017), tiểu học: 11.174 học sinh (tăng 169 em), THCS: 7.411 học sinh (tăng 264 em).

Số liệu học sinh huyện Đắk Mil năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

Cơ sở vật chất trường học từng bước được nâng cấp và ổn định. Toàn huyện có 822 phòng, trong đó phòng học kiên cố là 277 phòng (33,7%), bán kiên cố: 541 phòng (65,8 %), phòng học tạm, mượn: 3 phòng (0,003%).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các trường cơ bản bảo đảm cho công tác giảng dạy, với 1.449 người; trong đó, 1.140 giáo viên  (mầm non: 146 người, tiểu học: 549 người và THCS: 445 người).

Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã đầu tư 2 tỷ đồng để sửa chữa 16 phòng học và 2 nhà hiệu bộ; đồng thời cấp sách vở cho 2211 học sinh dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo.

ĐẮK SONG KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾ́U GIÁO VIÊN MẦM NON

Sáng 5/9, cùng với cả nước, hơn 600 học sinh cùng 30 cán bộ, giáo viên Trường mầm non Tạ Thị Kiều, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) nô nức khai giảng năm học mới 2017-2018.

Phụ huynh xã Nâm N'Jang (Đắk Song) đưa con vào trường mầm non

Video học sinh đến trường khai giảng tại huyện Đắk Song:

Bước vào năm học mới, toàn trường tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đạt trường chuẩn quốc gia mức độ I. Cùng với đó, nhà trường tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm" và nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ. Khó khăn lớn nhất của trường là tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đã diễn ra nhiều năm mà chưa được khắc phục. Trong năm học này, toàn trường thiếu tất cả 14 giáo viên so với yêu cầu đặt ra.

Giáo viên Trường mầm non Tạ Thị Kiều, xã Nâm N''Jang (Đắk Song) đón trẻ vào lớp

Năm học 2017-2018, huyện Đắk Song có 42 trường học với 611 lớp học và 19.258 học sinh ở các cấp, tăng 1 trường, 10 lớp và tăng 748 học sinh so với năm học 2016-2017. Toàn huyện có khoảng 1.100 cán bộ, giáo viên, thiếu 60 giáo viên ở bậc mầm non. Để khắc phục  tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non, huyện tập trung: Dồn lớp, tăng cường giáo viên phụ trách và khuyến khích, hỗ trợ thành lập các trường tư thục.

Số liệu học sinh huyện Đắk Song năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

NỖ LỰC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

GIA NGHĨA PHẤN ĐẤU CÓ THÊM 5 TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh: đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

* Năm học 2017-2018, thị xã Gia Nghĩa có 36 trường học từ mầm non đến THCS, với 412 lớp học (tăng 14 lớp so với năm học trước); trong đó, có 5 trường mầm non tư thục. Dự kiến, thị xã có 14.521 học sinh, tăng 452 em so với năm học trước. 

Giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh khai giảng năm học mới

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng học sinh, từ các nguồn vốn khác nhau, thị xã đã đầu tư xây mới 15 phòng học tại Trường mầm non Hoa Sen ở xã Quảng Thành, và Trường mẫu giáo Hoa Lan ở xã Đắk Nia.

Trong năm học 2017-2018, thị xã dự kiến sẽ tách và thành lập thêm 2 trường học: Trường mầm non Hoa Hướng Dương ở xã Đắk R’Moan trên cơ sở điểm lẻ Trường mầm non Hoa Cúc; Trường THCS Phạm Hồng Thái ở xã Đắk Nia trên cơ sở tách Trường tiểu học và THCS cơ sở Trần Văn Ơn. Ngoài việc xây mới, thị xã còn đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà lớp học Trường tiểu học và THCS Bế Văn Đàn ở xã Đắk Nia; nhà lớp học, cổng, tường rào, sân khấu Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở phường Nghĩa Tân...

Các đại biểu tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, thị xã Gia Nghĩa đã tổ chức các lớp tập huấn trong hè cho giáo viên nhằm cập nhật các phương pháp dạy học mới. Công tác tuyển sinh ở các cấp học, nhất là bậc mầm non và tiểu học được thực hiện trên cơ sở phân luồng tuyển sinh nên hạn chế được tình trạng quá tải cho các trường ở trung tâm. Các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, nhất là học sinh đến tuổi đi học. Học sinh dân tộc thiểu số, nhất là trẻ bước vào lớp 1 được tăng cường tiếng Việt bằng các lớp phụ đạo trong hè.

Trên cơ sở nhiệm vụ chung của ngành giáo dục, thị xã đã triển khai cho các trường xây dựng kế hoạch triển khai năm học phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng trường trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các mặt giáo dục. Trong đó, việc tăng cường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là hình thức để thị xã nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, nhất là giáo dục mũi nhọn. Hiện tại, thị xã có 10 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 3 trường THCS. Trong năm học 2017-2018, thị xã sẽ phấn đấu xây dựng thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ một và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ hai.

Tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh

* Bước vào khai giảng năm học 2017-2018, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) thể hiện quyết tâm tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả của năm học trước. Năm học 2016-2017, trường có 606 học sinh ở các khối lớp. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về mặt rèn luyện phẩm chất, trường có 99,6% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, không có học sinh hạnh kiểm trung bình. Về học lực, trường có 289 học sinh đạt loại giỏi, chiếm 48%; học sinh có học lực trung bình chỉ chiếm 0,9%. Đối với giáo dục mũi nhọn, trường tăng cường bồi dưỡng và tạo điều kiện cho học sinh các khối lớp tham gia tất cả các cuộc thi. Hàng năm, trường có hàng chục lượt học sinh đạt các giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Năm học 2016-2017, trường có gần 400 lượt học sinh đạt giải từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia như: học sinh giỏi cấp quốc gia lớp 12, giải Toán và tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia, thi Olympic 30/4 tại TP. Hồ Chí Minh…

Theo ông Tạ Bảo Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2017-2018, trường có 662 học sinh. Trường chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, tổ chức cho các em học các lớp vẽ, nhạc và các bộ môn năng khiếu khác. Trường chú trọng giáo dục chất lượng mũi nhọn bằng cách tăng cường cho học sinh tham gia dự thi, cọ xát về năng lực trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực, quốc gia. Ngay vào đầu năm học, trường đã lập kế hoạch bồi dưỡng cho các em vào các buổi chiều. Sau khi khối 12 thi xong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trường tiếp tục ôn tập cho các em thi THPT quốc gia. Về đội ngũ giáo viên, trường sẽ tăng cường công tác thao giảng, dự giờ để góp ý cho các giáo viên trẻ rút kinh nghiệm. Cùng với đó, trường tập trung bồi dưỡng trình độ tiếng Anh cho giáo viên các bộ môn. Việc bồi dưỡng do giáo viên người Mỹ giảng dạy. Giáo viên được tập huấn cách sử dụng bảng thông minh, bảng tương tác và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Trường khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần nghiên cứu, tự học và sáng tạo trong giảng dạy để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về vai trò, trách nhiệm của người giáo viên, cán bộ trường.

Số liệu học sinh thị xã Gia Nghĩa năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

ĐẮK R'LẤP: ĐẦU TƯ 21 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO NĂM HỌC MỚI

Trường DTNT Đắk R’lấp: Triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ cho học sinh ngay từ đầu năm học

Năm học mới 2017-2018, Trường dân tộc nội trú (DTNT) Đắk R’lấp có 204 học sinh. Trong đó, bậc THCS có 114 học sinh, THPT có 85 học sinh. Nhằm giúp các em học sinh yên tâm bước vào năm học mới, nhà trường đã trích 60 triệu đồng để mua sắm sách, vở học sinh cho các em. Các chế độ hỗ trợ, chính sách bảo hiểm, nơi ăn ở… cho các em học sinh được nhà trường triển khai thực hiện kịp thời. Em Điểu Tinh, học sinh lớp 8 của nhà trường cho biết: “Bước vào năm học mới, em được thầy cô chăm lo nơi ăn, chốn ở, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập nên rất yên tâm. Em sẽ cố gắng siêng năng học tập, rèn luyện để đạt thành tích tốt nhất trong năm học mới”. 

Được cấp phát sách vở kịp thời, học sinh trường DTNT Đắk Đlấp đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2017-2018

Theo thầy Trần Văn, Hiệu trưởng Trường DTNT Đắk R’lấp, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh lên lớp của toàn trường đã đạt 100%; tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100%. Đến nay, toàn trường có 24/24 giáo viên đạt chuẩn. Ngoài việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu số học sinh bỏ học, trường tập trung triển khai tốt công tác giáo dục hòa nhập, tạo cho học sinh các dân tộc cùng tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Trường DTNT Đắk R'lấp quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời cho học sinh yên tâm học tập

Theo ông Đặng Bá Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp, bước vào năm học 2017-2018, toàn huyện có 18.634 học sinh, tăng 73 học sinh so với năm học 2016-2017. Trong đó, bậc học mầm non có 3.648 em, bậc tiểu học có 8.705 học sinh, THCS có 6.281 học sinh. Toàn huyện có 1.302 giáo viên. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, trong năm học mới, toàn huyện đã đầu tư gần 21 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Đến nay, toàn huyện có 242 phòng học kiên cố phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

ADQuảng cáo

Số liệu học sinh huyện Đắk R'lấp năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

HUYỆN KRÔNG NÔ: XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP NỀN NẾP, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG CAO

Trường THPT Krông Nô khai giảng năm học mới với tinh thần: "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”

Sáng 5/9, 1.385 học sinh và 93 cán bộ, giáo viên Trường THPT Krông Nô đã tổ chức khai giảng năm học mới 2017-2018.

Trong năm học vừa qua, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Kết quả, kỳ thi THPT quốc gia có 99,75% học sinh tốt nghiệp, 200 học sinh đủ điểm vào các trường đại học trong toàn quốc; trong đó có 4 em đạt  trên 27 điểm và 2 em được nhận học bổng “Hoa Trạng Nguyên” dành cho các thủ khoa. Trong những năm qua, nhà trường luôn có học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và đạt được nhiều giải cao. Nhà trường luôn nằm trong nhóm các trường hàng đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục.

Theo cô giáo Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô, năm học 2017-2018, nhà trường tiếp tục thực hiện phương châm “Xây dựng môi trường học tập nền nếp, kỷ cương, chất lượng cao ”. Toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nhất là chú trọng phát huy tinh thần “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” để khơi gợi tinh thần chủ động, tích cực học tập của học sinh.

Số liệu học sinh huyện Krông Nô năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

* Năm học 2017-2018, toàn huyện Krông Nô có gần 18.000 học sinh các cấp tham gia học tại 44 trường và trên 1.300 cán bộ, giáo viên. Để bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học, huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng và đưa vào sử dụng 6 phòng học mới tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Nâm Nung. Huyện đã dành hơn 1 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các trường học, nhất là bậc mầm non.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH CÁC KHOẢN THU ĐẦU NĂM HỌC MỚI

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Nam Dong, Chư Jút: Nhu cầu lớn nhưng không lạm thu

Năm học này, Trường tiểu học Lê Hồng Phong xã Nam Dong (Chư Jút) hiện có 700 học sinh, trong đó có khoảng 35% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trường có 26 lớp nhưng chỉ có 14 phòng học. Do thiếu phòng nên phần lớn các lớp chỉ học 1 buổi/ngày.

Hiện trường đang đầu tư xây dựng mới 14 phòng học và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 11 năm nay. Sau khi đưa vào hoạt động, 100% các lớp sẽ được học 2 buổi/ngày.

Trường tiểu học Lê Hồng Phong, ở thôn 6, xã Nam Dong (Chư Jút) khai giảng năm học mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong, những năm gần đây, trường luôn thực hiện thu các khoản tiền như học phí, học thêm… theo đúng quy định. Đối với các khoản phí được thỏa thuận, vận động như: tiền lao công, quỹ khuyến học, hoạt động phong trào, nước uống… trường luôn đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, chi đúng mục đích và thu đủ chi. Sau mỗi năm học, trường công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và trường. Hàng năm, trường cũng gửi đầy đủ báo cáo quyết toán tất cả các loại quỹ có tổ chức thu trong năm cho các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

Cũng theo ông Hải, do nhu cầu nâng cấp, mở rộng trường nên năm nay, trường thu mỗi em 400.000 đồng. Vì vậy, nhà trường dự tính chỉ thu 3 khoản tiền thỏa thuận, vận động gồm: tiền lao công (50.000 đồng/em/năm), khuyến học (20.000 đồng/em/năm) và hoạt động phong trào (30.000 đồng/em/năm), không thu tiền nước uống. Sau khi khai giảng, trường sẽ tổ chức họp phụ huynh, bầu ban đại diện và lấy ý kiến về từng khoản thu một cách dân chủ.

Trong năm học này, toàn huyện Chư Jút có 46 trường, 672 lớp với 19.478 học sinh (trong đó 10.401 học sinh đồng bào DTTS) tham gia tựu trường. Toàn huyện được giao 1.376 biên chế nhưng hiện có 1.388 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang hưởng lương biên chế. Toàn ngành còn thừa 27 giáo viên (tiểu học và THCS), thừa 5 nhân viên (trường mầm non và trường tiểu học); thiếu 27 giáo viên mầm non và 3 phó hiệu trưởng trường mầm non.

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, toàn huyện đã xây mới và sửa chữa hơn 100 phòng học với tổng kinh phí 44,6 tỷ đồng. Các trường học cũng trích kinh phí gần 1,9 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học…

Số liệu học sinh huyện Chư Jút năm học 2016-2017 và dự kiến năm học 2017-2018

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC DẠY VÀ HỌC

BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐỀ NGHỊ NẮM VỮNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Sáng 5/9, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) đã vinh dự được đón đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến dự khai giảng và chung vui trong năm học mới 2017-2018. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Trường THPT Chu Văn An

Video đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Lễ khai giảng Trường THPT Chu Văn An:

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Lê Diễn đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Những năm qua, Trường THPT Chu Văn An có nhiều bước trưởng thành và được đánh giá cao. Quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Số lượng giáo viên có trình độ trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngày càng tăng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt cao...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn tặng 20 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi Trường THPT Chu Văn An

Đồng chí Lê Diễn nhấn mạnh, bước vào năm học mới 2017-2018, trước những thuận lợi, thời cơ và cả những khó khăn, thách thức đòi hỏi ngành Giáo dục nói chung, Trường THPT Chu Văn An nói riêng phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Muốn vậy phải tăng cường đồng thuận về nhận thức, thống nhất về hành động. Nhà trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; coi học sinh là trung tâm của quá trình dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh học tập, tự rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản thân. Cùng với việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, nhà trường phải tiếp tục quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó, đưa trường trở thành một trong những trường chất lượng cao của tỉnh. Các em học sinh xác định mục tiêu và động cơ học tập đúng đắn, chăm chỉ học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi, những công dân tốt, đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn đánh hồi trống khai giảng năm học mới, gửi gắm niềm tin, hy vọng và thành công

Nhân dịp này, đồng chí Lê Diễn tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đánh hồi trống khai giảng năm học, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng và thành công đến đội ngũ giáo viên, học sinh của Trường THPT Chu Văn An.

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY LƯU Ý NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC Ở TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN CHÍ THANH

Sáng ngày 5/9, thầy và trò Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) vinh dự đón đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến dự khai giảng, chung vui cùng nhà trường.

Đồng chí Ngô Thanh Danh đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị, trong năm học mới 2017-2018, trường cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới quản lý giáo dục với nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, thông qua xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên, giáo viên trẻ, bảo đảm chất lượng giáo dục tiệm cận quốc tế và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục ngày càng cao. Cùng với tập trung đào tạo mũi nhọn, làm tốt công tác tuyển sinh, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, trường cần bảo đảm các điều kiện tốt nhất để phát huy hết khả năng trí tuệ và tư duy sáng tạo của các em học sinh.

Video đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh:

Tại buổi lễ, đồng chí Ngô Thanh Danh đã đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018 và trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh  vượt khó học giỏi của trường.

Đồng chí Ngô Thanh Danh tặng học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của Trường THPH chuyên Nguyễn Chí Thanh

CHỦ TỊCH UBND TỈNH CĂN DẶN HỌC SINH XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ ĐỘNG CƠ HỌC TẬP ĐÚNG ĐẮN

Ngày 5/9, hơn 440 học sinh và 33 cán bộ, giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) vinh dự đón đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đến dự Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018.

Chương trình văn nghệ chào mừng khai giảng năm học mới

Trong năm học vừa qua, Trường DTNT N’Trang Lơng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Kết quả, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt trên 65%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%; có trên 95% học sinh đủ điểm xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Trong năm học này, cán bộ, giáo viên của nhà trường tiếp tục rèn luyện, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp học sinh theo đuổi những niềm đam mê và rèn luyện kĩ năng cần thiết cho cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Bốn dâng hương tại tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng

Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Bốn biểu dương và ghi nhận những kết quả mà đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của trường đã đạt được. Đồng chí mong muốn các em học sinh cần xác định mục tiêu và động cơ học tập đúng đắn để chăm chỉ học tập, rèn luyện, sử dụng có hiệu quả quỹ thời gian học tập, phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi, công dân tốt, đóng góp xứng đáng cho quê hương Đắk Nông và đất nước Việt Nam thân yêu.

Video đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ khai giảng Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng:

Đồng chí Nguyễn Bốn phát biểu tại buổi lễ khai giảng

Đồng chí Nguyễn Bốn trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQVN TỈNH MONG MUỐN TIẾP TỤC TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ VƯƠN LÊN, LẬP THÂN LẬP NGHIỆP

Sáng 5/9, đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Nông đã đến dự khai giảng năm học 2017-2018 và chúc mừng thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp (Đắk R’lấp).

Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú  huyện Đắk R’lấp chào mừng khai giảng

Năm học 2017-2018, trường có 200 học sinh và  30 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Điểu Xuân Hùng yêu cầu nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp học sinh theo đuổi đam mê sáng tạo, trau dồi kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng về đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống, sinh hoạt, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người” để học sinh noi theo, đưa trường ngày càng nâng cao chất lượng. Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống của học sinh. Với đặc trưng của một trường có đa số học sinh là dân tộc thiểu số, trường cần tạo điều kiện để các em phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình, lập thân, lập nghiệp.

Video đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnhphát biểu tại Lễ khai giảng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp:

Đồng chí Điểu Xuân Hùng trao tặng học bổng  cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp

Thầy Trần Văn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú  huyện Đắk R’lấp đánh trống khai giảng năm học 2017-2018

Lãnh đạo huyện Đắk R’lấp tặng quà cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đắk R'lấp

Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông trao quà cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đắk R'lấp

TRƯỜNG THPT TRƯỜNG CHINH (ĐẮK R'LẤP) COI TRỌNG PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI HỌC

Hòa chung không khí của cả nước, sáng ngày 5/9, Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp) long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và chia vui với nhà trường.

Quanh cảnh khai giảng năm học mới ở Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp)

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Trường Chinh đã có sự trưởng thành về mọi mặt. Cơ sở vật chất được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên.

Trong năm học 2016-2017, học sinh có học lực khá, giỏi của trường đạt trên 53%; học sinh yếu, kém giảm còn dưới 5%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,06%. Toàn trường có trên 98% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá.

Năm học vừa qua, nhà trường có 1 học sinh đạt giải Ba học sinh giỏi cấp quốc gia môn Địa lý; 23 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; 34 học sinh đạt giải olympic cấp tỉnh; 16 học sinh đạt giải olympic khu vực… Trong 3 năm liên tiếp, trường vinh dự được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”…

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh trao Bằng công nhận Trường THPT chuẩn Quốc gia cho nhà trường

Năm học 2017-2018, toàn trường có 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và 787 học sinh với tổng số 21 lớp học. Trường đề ra những chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%; tỷ lệ học sinh khá giỏi toàn trường hơn 60% và giữ vững tỉ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng…

Hiệu trưởng nhà trường đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018

Video đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ khai giảng Trường THPT Trường Chinh:

Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, nhà trường cần tiếp tục đổi mới, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Nhà trường cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống của học sinh; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, tạo điều kiện để các em phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình, lập thân, lập nghiệp. Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời, quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó, đưa trường THPT Trường Chinh trở thành trường chất lượng cao của tỉnh.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Tại Lễ khai giảng, Trường THPT Trường Chinh đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận Trường THPT chuẩn quốc gia. Tỉnh ủy- HĐND-UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường, với tổng trị giá 10 triệu đồng.

BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH TẶNG 50 SUẤT HỌC BỔNG CHO HỌC SINH 7 XÃ BIÊN GIỚI

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2017 - 2018, sáng 5/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã trao tặng 50 suất học bổng cho 50 học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tại 7 xã biên giới của tỉnh theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”, với tổng số tiền 372 triệu đồng.

Các học sinh nhận học bổng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ, thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới.

Thượng tá Phan Quý Vỹ, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh  trao 2 suất học bồng "Nâng bước em đến trường" cho 2 học sinh tại Trường THCS Bu Prăng, xã Qủang Trực (Tuy Đức)

Ngoài ra, các đơn vị còn nhận đỡ đầu, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhà trường theo dõi kết quả học tập để kịp thời giúp đỡ, nâng cao thành tích học tập cho các em.

Thượng tá Phan Quý Vỹ, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Các em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi học xong lớp 12 hoặc gia đình hết khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị biên phòng còn tặng đồ dùng học tập, xe đạp, quần áo... cho các em. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước.

MOBIFONE ĐẮK NÔNG TRAO 120 SUẤT QUÀ VÀ HỌC BỔNG, HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2017-2018, sáng 5/9, Mobifone Đắk Nông đã tổ chức trao 60 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho học sinh nghèo học giỏi tại 6 trường học tại thị xã Gia Nghĩa và các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Chư Jút.

Đại diện Mobifone tặng học bổng cho học sinh ở Trường PTTH Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) (Ảnh do Mobifone Đắk Nông cung cấp)

Cũng nhân dịp này, Mobifone Đắk Nông trao 60 phần quà (trị giá 350.000 đồng/phần) gồm gạo, mỳ tôm, quần áo... cho học sinh nghèo học giỏi thuộc Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa (Đắk G’long). Ngoài ra, đơn vị còn thỏa thuận tài trợ cho Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc sửa chữa nhà vệ sinh, lắp điện năng lượng mặt trời để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của học sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học 2017-2018: Giáo dục Đắk Nông đổi mới mạnh mẽ và toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO