Năm học 2017-2018: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nguyễn Hiền| 04/09/2017 08:55

Việc xác định và thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm năm học đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục cả trước mắt và về lâu dài. Vì vậy, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục xác định có 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

ADQuảng cáo

Dạy và học tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận An (Đắk Mil)

Bước đệm cho năm học mới

Theo đánh giá, năm học 2016-2017, nhờ tập trung triển khai đồng bộ các mục tiêu đã đề ra, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận ở tất cả các bậc học. Theo đó, bậc mầm non, số trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt trên 78%; riêng trẻ 5 tuổi đến trường đạt trên 98% và 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. Từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó chủ yếu là thực hiện xã hội hóa, trên 73% tổng số trẻ được tổ chức bán trú; trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân đều giảm so với năm học trước.

Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 96%. Tổng số học sinh được khen thưởng cuối năm học 2016-2017 ở các lĩnh vực chiếm trên 57%. Bậc THCS có trên 46% học sinh đạt học lực khá, giỏi và học sinh đạt hạnh kiểm tốt chiếm trên 82%. Bậc THPT có trên 51% học sinh đạt học lực khá, giỏi và trên 79% đạt hạnh kiểm tốt. Tỷ lệ học sinh của tỉnh đậu tốt nghiệp THPT quốc gia đạt trên 97%.

Điều đáng nói, nhiều trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT nằm trong tốp đầu và đạt 100% như Trường Phổ thông DTNT Đắk R’lấp, Trường Phổ thông DTNT Đắk Glong, Trường Phổ thông DTNT Krông Nô, Trường Phổ thông DTNT Đắk Song…

Đối với giáo dục thường xuyên, các đơn vị luôn chú trọng đa dạng hóa nội dung giáo dục ở các lĩnh vực, thu hút nhiều người tham gia học tập. Phổ cập giáo dục các bậc học được giữ vững và từng bước được nâng cao về chất lượng.

ADQuảng cáo

Cũng trong năm học qua, nhờ tăng cường công tác vận động nên tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở các bậc học đều giảm đáng kể. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từng bước được quan tâm một cách toàn diện. Nhờ đó, hàng năm số lượng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia luôn đạt và vượt kế hoạch 8 trường/năm theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đến nay, toàn tỉnh đã có 101 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó mầm non có 28 trường, tiểu học có 45 trường, THCS có 29 trường và THPT có 9 trường.

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, việc xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học đóng vai trò quan trọng trong định hướng hoạt động của toàn ngành. Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm do Bộ Giáo dục-Đào tạo đề ra, ngành còn dựa trên đặc điểm, điều kiện của địa phương để đưa ra nhiệm vụ phù hợp, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Việc đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo cũng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện. Đối với bậc mầm non tập trung duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đối với bậc tiểu học, ngoài việc tăng cường tiếng Việt và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các trường nâng cao hiệu quả đánh giá học sinh theo hướng giúp học sinh phát triển toàn diện.

Đối với bậc trung học thì tập trung đổi mới dạy học theo hướng liên môn. Đây cũng là bước chuẩn bị tiệm cận cho việc dạy học tích hợp theo định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự kiến áp dụng vào năm học 2018-2019. Trong quá trình dạy học, các trường thực hiện phân hóa học sinh theo năng lực để có phương pháp dạy học phù hợp, giúp học sinh phát huy hết lợi thế, sở trường, thế mạnh của mình ở các môn học, kể cả môn văn hóa và môn năng khiếu. Đây được xem là hình thức để định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh, theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục tổng thể.

Năm học 2017-2018, toàn ngành tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục và đổi mới chính sách, cơ chế tài chính. Một trong những nhiệm vụ được đánh giá quan trọng là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động cho các cơ sở giáo dục. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý cũng như tổ chức các hoạt động. Giáo viên còn được tự chủ trong việc tổ chức dạy và học, phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn, vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học mới một cách phù hợp, hướng đến mục đích phát huy tính tích cực, chủ động của người học.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học 2017-2018: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO