Phân công, phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục còn bất cập

Nguyễn Hiền| 17/05/2018 11:17

Qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông mới đây, việc thực hiện phân công, phân cấp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục ở các địa phương hiện vẫn còn nhập nhằng, bất cập.

ADQuảng cáo

Việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục là nhằm bảo đảm sự thông suốt trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ

Từ nguyên nhân khách quan

Theo các địa phương, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và cấp tỉnh còn nhiều nội dung chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước. Trách nhiệm quy định chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến công tác phối hợp quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Theo UBND huyện Đắk Song, một số văn bản còn có những điều khoản không khớp nhau, không phù hợp thực tế nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Điển hình, Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ có nhiều quy định về công tác cán bộ, bổ nhiệm, tuyển dụng và quản lý sử dụng không khả thi, chưa thống nhất với các văn bản khác.

Thông tư liên tịch số 11/2015 thay thế Thông tư 47 có nhiều quy định không căn cứ theo Nghị định 115. Trong một thời gian dài, Trung ương không có văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên ngành giáo dục.

Đối với các văn bản của HĐND tỉnh, UBND tỉnh chưa đầy đủ, nhiều nội dung chưa có sự hướng dẫn rõ ràng, thống nhất chung toàn tỉnh. Quá trình triển khai các văn bản thiếu sự kiểm tra, đánh giá. UBND tỉnh không có văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ ưu đãi, thu hút cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, chính sách hỗ trợ học sinh, hợp đồng bảo vệ đối với các trường học, sử dụng học phí...

ADQuảng cáo

Theo UBND huyện Đắk R’lấp, việc xây dựng nghị định, thông tư chưa đáp ứng thời gian quy định của luật. Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định còn chậm. Nhiều văn bản ban hành rồi lại sửa đổi, bổ sung.

Đến nguyên nhân chủ quan

Qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, không chỉ khó khăn, bất cập trong các văn bản của Trung ương và tỉnh mà quá trình triển khai thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục ở các địa phương cũng còn nhiều bất cập.

Qua giám sát tại huyện Đắk R’lấp, một số thành viên nhận định, sự phối hợp giữa Phòng Giáo dục-Đào tạo và Phòng Nội vụ chưa thể hiện hết theo quy định. Bà Châu Kiều Loan, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, theo văn bản của Trung ương, thẩm quyền giao cho ngành giáo dục rất nhiều nhưng địa phương lại phân chủ yếu cho Phòng Nội vụ. Như vậy, địa phương cần xem xét lại giữa văn bản quy định của Trung ương và quy định riêng của địa phương, văn bản nào hợp lý trong quá trình thực hiện. Điển hình như theo quy định,  Phòng Giáo dục-Đào tạo là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng lại không được tham gia thực hiện các lớp đào tạo chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Theo bà Hồ Thị Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, mặc dù các địa phương vẫn báo cáo về vướng mắc, chồng chéo và tình trạng này diễn ra thời gian đã lâu nhưng hầu hết chưa thật sự quan tâm đến việc đề xuất, kiến nghị đối với các cấp để có hướng điều chỉnh kịp thời, nhất là đối với văn bản của HĐND tỉnh và UBND tỉnh.

Ông Võ Văn Hân, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh lại khẳng định: “Nhiệm kỳ trước, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát về nội dung này và đã chỉ ra những hạn chế, bất cập và yêu cầu khắc phục. Đến nay khi tổ chức giám sát lại, địa phương vẫn chưa có gì thay đổi”.

Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát ở các huyện, ông Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị các địa phương cần rà soát lại việc phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hợp lý. Để có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau, các đơn vị, các phòng phải ban hành quy chế hoạt động làm cơ sở thực hiện, tránh chồng chéo. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện, địa phương cần kiến nghị rõ ràng, cụ thể. Đối với những vướng mắc, chồng chéo trong các văn bản, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi cho phù hợp, tạo sự nhịp nhàng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các phòng, ban liên quan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân công, phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục còn bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO