Thực hiện Nghị quyết 31 về hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số: Phải đánh giá nghiêm túc về hiệu quả triển khai

Nguyễn Hiền| 28/05/2019 10:28

Từ năm học 2016-2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND ngày 6/9/2016 (Nghị quyết 31) về hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh được đến trường. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Nhờ được cấp phát sách và vở cho học sinh DTTS nên Trường tiểu học Bế Văn Đàn ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) có thêm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục đại trà

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2018-2019, Trường THCS Nguyễn Huệ ở xã Thuận An (Đắk Mil) có 652 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm gần 40%. Theo Hiệu trưởng Lữ Thị Sen, trường có số lượng học sinh DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tương đối cao. Vì gia đình khó khăn nên những năm trước đây nhiều em phải nghỉ học giữa chừng. Từ khi có nghị quyết, trường đã có trên 66 lượt em được hỗ trợ kinh phí học tập hàng tháng và 654 lượt em được cấp phát sách giáo khoa và vở viết. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh được thụ hưởng, hàng năm trường luôn thực hiện đúng, kịp thời chế độ, chính sách hỗ trợ theo đúng đối tượng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Mil, từ năm học 2016-2017 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ kinh phí học tập với khoảng 2 tỷ đồng cho trên 6.270 lượt học sinh. Huyện cũng đã thực hiện cấp phát sách giáo khoa và vở viết cho trên 11.500 lượt học sinh. Sự hỗ trợ nói trên đã góp phần giúp huyện từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS với vùng trung tâm.
Tương tự, các trường học khác trên địa bàn tỉnh, học sinh DTTS cũng có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục nhờ hưởng lợi từ Nghị quyết 31. Phần lớn học sinh DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không phải bỏ học giữa chừng.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm học 2016-2017 đến nay, toàn tỉnh có 1.047 học sinh THPT thuộc diện được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Đối với học sinh tiểu học và THCS có 54.461 học sinh được thụ hưởng với kinh phí trên 11,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 369 sinh viên đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 940 triệu đồng. Toàn tỉnh có trên 112.000 học sinh tiểu học và THCS được cấp phát sách giáo khoa và vở viết với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng.

Bộc lộ nhiều bất cập

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 31 đã góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên DTTS. Chính sách cũng đã khuyến khích, động viên con em đồng bào hộ nghèo, cận nghèo học tại các trường phổ thông và học nghề, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Tuy nhiên, qua giám sát tại các đơn vị liên quan mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chỉ ra những bất cập trong quá trình triển khai.

Về kinh phí, Ban cho rằng, nhu cầu sử dụng trong thực tế ít nhưng các đơn vị làm dự toán quá nhiều, để “nhàn rỗi” nguồn kinh phí, trong khi đó tỉnh rất cần nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực khác. Điển hình như năm học 2017-2018, huyện Đắk Mil chỉ hỗ trợ cho 2 sinh viên 3 triệu đồng, trong khi kinh phí chưa sử dụng lên đến 118 triệu đồng. Con số dôi dư kinh phí so với thực hiện hỗ trợ đối với sinh viên trong 3 năm học của toàn tỉnh cũng khá lớn với trên 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Công ty TNHH-MTV Thiết bị trường học thì tổng dự toán 3 năm là 46,4 tỷ nhưng báo cáo thực hiện trên 47,6 tỷ. Vì vậy, năm học 2018-2019, UBND tỉnh trình văn bản xin bổ sung kinh phí 4,9 tỷ đồng để hỗ trợ phát sinh 513 em. Mặt khác, theo báo cáo, hiện tại ở các trường tiểu học và THCS đang dôi dư 3.141 bộ sách. Như vậy, việc tham mưu bổ sung kinh phí có phù hợp không?

Bà Hồ Thị Nghĩa, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh quy định là cung ứng bộ sách, nhưng hiện tại Công ty TNHH-MTV Thiết bị trường học lại cung ứng đầu sách, sẽ dẫn đến tình trạng số lượng sách trong các bộ sách cấp về cho cơ sở sẽ thiếu. Điều đáng nói là đến tháng 6, Sở Giáo dục-Đào tạo mới thông báo định mức cấp sách giáo khoa cho các khối, lớp. UBND tỉnh cũng quy định, đơn vị phối hợp đăng ký nhu cầu được giao cho Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã tùy theo cấp học. Tuy nhiên, đối với bậc THCS hiện nay lại do Công ty TNHH-MTV Thiết bị trường học trực tiếp làm việc và thực hiện cung ứng.

Cần chấn chỉnh những bất cập

Qua giám sát thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan, đồng chí Lê Kim Huy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan cần tổ chức sơ kết đánh giá nghiêm túc về hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết 31 để điều chỉnh, bổ sung phù hợp cũng như kịp thời có giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế hiện nay.

Ngay trong năm học 2019-2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh ngay những hạn chế trong triển khai của những năm học qua. Trong đó, các đơn vị cần chú trọng đến tinh thần, trách nhiệm trong việc phối hợp triển khai, không để tình trạng rời rạc trong thực hiện mục tiêu chung. Các số liệu báo cáo của các đơn vị hiện nay không khớp nhau nên cần rà soát lại một cách chặt chẽ, chính xác. Số lượng sách giáo khoa hàng năm dôi dư ở cơ sở cần có những hình thức xử lý phù hợp, tránh lãng phí. Các nhà trường tăng cường tuyên truyền học sinh, phụ huynh bảo vệ sách được cấp để học sinh các lớp sau có thể sử dụng lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 31 về hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số: Phải đánh giá nghiêm túc về hiệu quả triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO