Tình nguyện đứng lớp, giúp trẻ em vùng sâu đến trường

Nguyễn Hiền| 28/10/2019 10:05

Trong khi biên chế giáo viên chưa được bổ sung, một số trường mầm non tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đứng trước nguy cơ không mở được lớp theo kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, nhờ những giáo viên hợp đồng tình nguyện đứng lớp không nhận lương mà hàng trăm trẻ đã được đến trường.

ADQuảng cáo

Nhiều giáo viên tình nguyện đi dạy không lương từ đầu năm học đến nay

Chia sẻ khó khăn với trường

Chúng tôi đến điểm trường Đắk S'nao 1 của Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Quảng Sơn trong giờ trẻ đến học buổi chiều. Nhiều trẻ được bố mẹ chở đến còn ngái ngủ; có trẻ vẫn chưa quen nên khóc đòi trong sự dỗ dành của các cô giáo. Mặc dù đã vào học được gần 2 tháng nhưng cô giáo vẫn tất bật bao việc, từ đón đến dỗ dành, cho trẻ làm quen.

Điểm trường có 70 trẻ chủ yếu là con em dân tộc Mông được chia thành 3 lớp, với 4 cô giáo đứng lớp; trong đó 1 lớp lá được ưu tiên bố trí 2 giáo viên. Điều đáng nói là tất cả 4 giáo viên ở đây đều không thuộc biên chế mà tình nguyện đi dạy không có lương cũng như không có phụ cấp. 

Nhờ có giáo viên tình nguyện đứng lớp, hàng trăm trẻ ở huyện Đắk Glong đã được đến trường

Khoảng đầu giờ chiều, nhiều trẻ lớp mầm do cô Ngô Thị Thanh phụ trách đang lăn ra ngủ giữa nền nhà. Tay bế một trẻ đang ngủ trên tay, cô Thanh giải thích đây là cháu mới nên khóc rất nhiều, phải bế để cháu có thể ngủ một lúc. Trong câu chuyện, đôi lúc mắt cô giáo Thanh đỏ lên như cố giấu đi nỗi niềm.

Nhắc đến chuyện tình nguyện đi dạy không có lương, cô Thanh trải lòng: “Mặc dù hợp đồng thôi nhưng tôi cũng đã gắn bó với trường từ những năm đầu mới thành lập, bây giờ mà nghỉ dạy thật sự là rất buồn. Ở đây rất nhiều trẻ trong độ tuổi đi học, nếu không có giáo viên thì rất tội các cháu. Nghĩ vậy, tôi và một số đồng nghiệp đã tình nguyện giúp trường. Tôi cũng không biết có thể gắn bó với các cháu, với trường được bao lâu nhưng được ngày nào hay ngày đó, nên cứ vui mà cố gắng”.

Dù không lương nhưng giáo viên rất tâm huyết với trẻ

ADQuảng cáo

Cô giáo Phạm Thị Hồng Lĩnh cũng là giáo viên hợp đồng nhiều năm của trường. Có chồng là bộ đội thường xuyên đi công tác, một mình cô giáo với con nhỏ, lại tham gia dạy không lương nên cuộc sống khá vất vả. Cô giáo Lĩnh chia sẻ: “Ở đây ai cũng khó khăn. Vợ chồng tôi phải nuôi con nhỏ và một mẹ già nên cứ đến đâu đắp vá đến đó. Những năm trước còn được nhận lương hợp đồng nên đỡ vất vả hơn. Thương các cháu và không muốn bỏ nghề nên giờ ai cũng cố gắng bám trụ, chia sẻ khó khăn với trường”.

Phần lớn trẻ đi học là con em dân tộc thiểu số nên giáo viên rất vất vả

Giúp hàng trăm trẻ được đến trường

Theo cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang, năm học này trường có đến 300 trẻ nhưng chỉ có 3 biên chế giáo viên, dù huy động cả cán bộ quản lý vẫn chưa đủ một giáo viên/lớp. May mắn cho trường là có 8 giáo viên tình nguyện đứng lớp, đều là hợp đồng của trường nhiều năm nay. Dù không có lương nhưng các cô giáo vẫn đều đặn đến lớp cùng trẻ hơn 2 tháng nay. Hiện trường có trên 60 trẻ ở cụm dân cư Suối Phèn vẫn chưa được đến trường vì chưa có giáo viên. Nếu như không có 8 cô giáo tình nguyện đứng lớp giúp trường thì số trẻ thất học phải lên đến 200 trẻ.

Cô giáo Oanh cho biết thêm: Điều kiện kinh tế của các cô giáo đều khó khăn. Hiện nay, mọi người vẫn chia sẻ với nhau ký gạo, bó rau để có thể đến lớp với trẻ em nơi vùng khó này. Có cô giáo còn phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống nhưng nói đến nghỉ dạy là rơm rớm nước mắt. Nhà trường thật sự biết ơn các cô giáo rất nhiều. Bây giờ các cô giáo nghỉ dạy thì tội các cháu mà cứ duy trì như hiện nay thì cũng rất tội các cô.

Cô giáo tình nguyện chăm trẻ buổi trưa

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết: Những năm trước do được ký hợp đồng nên tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp cũng đỡ căng thẳng hơn. Năm nay, huyện được bổ sung biên chế nhưng hiện vẫn chỉ đang trong quá trình làm thủ tục. Nếu có biên chế về các trường thì sớm cũng phải đến tháng 12/2019 mới có. Vì để bảo đảm cho trẻ được đi học nên nhiều trường động viên và nhờ được sự hỗ trợ của các cô giáo hợp đồng cũ tham gia đứng lớp.

Đầu năm học, toàn huyện có khoảng 35 giáo viên tình nguyện đứng lớp giúp các trường mầm non có thể nhận trẻ đến lớp. Điển hình như Trường mầm non Hoa Pơ Lang có 8 giáo viên; Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R’măng có 9 giáo viên; Trường mầm non Hoa Đào ở xã Đắk Nang có 9 giáo viên...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình nguyện đứng lớp, giúp trẻ em vùng sâu đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO