Trăn trở “bài toán” thiếu giáo viên (kỳ 2): Khắc phục theo kiểu "cầm cự"

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền| 17/10/2018 09:38

Vì thiếu giáo viên, để bảo đảm duy trì dạy và học, ngành Giáo dục các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng còn nhiều bất cập, theo kiểu “cầm cự”, càng thêm chồng chất khó khăn.

ADQuảng cáo

Biết vướng… vẫn phải làm

Năm học 2018-2019, Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 1.230 học sinh ở 30 lớp. Học sinh tăng nhanh nên số lượng giáo viên thiếu ngày càng trầm trọng, hiện thiếu 16 giáo viên. Trong đó, các môn như Toán, Ngữ Văn, Anh văn mỗi môn thiếu 2 giáo viên; môn Tin học và Thể dục thiếu 2 giáo viên; các môn Hóa học, Nhạc, Công nghệ mỗi môn thiếu 1 giáo viên.

Với 42 biên chế giáo viên, trường không thể phân phụ trách số tiết đúng theo quy định. Vì vậy, trường buộc phải tổ chức “dạy kê, dạy gác” (tăng tiết) nhằm bảo đảm cho học sinh học đúng theo chương trình. Thay vì dạy 19 tiết/tuần theo quy định thì mỗi giáo viên phải đảm nhận bình quân trên 30 tiết/tuần.

Dù là nam giới nhưng nhiều thầy giáo vì dạy tăng tiết quá nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng giảng dạy

Thầy Nguyễn Đức Hưng, dạy môn Tin học cho biết: “Mỗi tuần tôi đều dạy 33 tiết, vượt 14 tiết, phải đứng lớp cả ngày nên rất mệt mỏi, có lúc dạy về nói không ra tiếng. Nếu kéo dài tình trạng này, tôi nghĩ về sức khỏe chắc không chịu nổi”. Tương tự, nhiều giáo viên khác, nhất là giáo viên nữ vẫn đang từng ngày “gồng mình” để đứng lớp cả ngày.

Cô Kim Thị Quế Nhị, dạy môn Toán chia sẻ: “Giáo viên không có thời gian để đầu tư cho bài dạy, tham khảo các tài liệu và phương pháp dạy học mới. Hiện tại chúng tôi chỉ bảo đảm được lượng tiết thôi, không thể tập trung sâu từng bài giảng cho học sinh”.

Không chỉ lo ngại về chất lượng giáo dục, sức khỏe và tinh thần của giáo viên mà nhà trường còn đứng trước nỗi lo về số tiền dạy tăng tiết chưa được huyện chi trả. Thầy Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: “Trường thực hiện “dạy kê, dạy gác” từ năm học 2015-2016. Tuy nhiên, từ năm học 2017-2018, trên 4.000 tiết tương đương với 875 triệu đồng của giáo viên vẫn chưa được chi trả. Năm nay, vì thiếu giáo viên, trường buộc phải tiếp tục dạy tăng khoảng trên 5.000 tiết. Với số tiết này dự kiến kinh phí chi trả lên khoảng trên 1,5 tỷ đồng”.

Trường THCS Hoàng Văn Thụ chỉ là một trong những trường hợp thực hiện “dạy kê, dạy gác” do thiếu giáo viên. Theo thống kê, toàn huyện Đắk Glong hiện đang nợ đọng “dạy kê, dạy gác” trên 2,4 tỷ đồng và hiện tại, huyện vẫn chưa tìm ra nguồn kinh phí để chi trả. Dự kiến năm học 2018-2019 con số chưa chi trả cho giáo viên sẽ lên đến trên 2,6 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo huyện Đắk Glong, việc chưa chi trả kinh phí cho giáo viên “dạy kê, dạy gác” thật ra đã xảy ra ở huyện Tuy Đức. Dù biết vậy nhưng không còn cách nào khác, huyện vẫn phải thực hiện theo chủ trương đó thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh bậc tiểu học và THCS.

Phải tự thân vận động thêm

ADQuảng cáo

Thị xã Gia Nghĩa cũng là một trong những địa phương loay hoay tìm phương án cho việc thiếu giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu cho các bậc học. Mặc dù hàng năm UBND tỉnh bổ sung thêm giáo viên hợp đồng nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu hiện cần của các trường học.

Từ 2014 đến nay, thị xã được giao số biên chế giáo viên là 819 người và duy trì con số này đến nay. Tuy nhiên, số lượng học sinh lại tăng từ 10.600 em lên 15.700 em. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, năm học 2017-2018, thị xã phải thực hiện hợp đồng thêm 106 giáo viên từ kinh phí của địa phương. Do không có quy định chi trả nên việc giải quyết chi trả cho số giáo viên hợp đồng nói trên phải qua rất nhiều cuộc họp, mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng hiện nay, thị xã cũng chỉ mới chi trả được cho giáo viên hợp đồng trong năm 2017 còn 5 tháng đầu năm 2018, giáo viên vẫn chưa được chi trả. Nhiều giáo viên đi dạy không có lương đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình.

Năm học 2018-2019, thị xã tăng gần 1.000 học sinh các bậc học. Số biên chế giáo viên thiếu so với nhu cầu tăng lên 127 người, trong đó bậc mầm non thiếu 73 biên chế, bậc tiểu học thiếu 37 biên chế và bậc THCS thiếu 17 biên chế. Rút kinh nghiệm việc thực hiện hợp đồng, thị xã chuyển qua hình thức xã hội hóa để chi trả cho số lượng giáo viên hợp đồng còn thiếu.

Nhiều giáo viên hợp đồng của Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (Gia Nghĩa) hiện vẫn chưa được chi trả lương năm học 2017-2018

Cô Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vàng ở phường Nghĩa Tân cho biết: “Hiện tại, trường vẫn thiếu 6 giáo viên. Chia sẻ khó khăn với nhà trường nên những giáo viên hợp đồng năm ngoái vẫn lên đứng lớp. Trong dịp họp phụ huynh đầu năm, trường cũng lấy ý kiến phụ huynh về việc xã hội hóa để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng thì trẻ mới được học 2 buổi/ngày. Hầu hết phụ huynh hưởng ứng nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện nên trường cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng”.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Thị xã cũng đã làm hết cách nhưng đều vướng. Hiện nay, thị xã đang chủ trương ưu tiên biên chế cho các trường thuộc vùng sâu, vùng xa. 8 trường mầm non và tiểu học vùng trung tâm có điều kiện hơn sẽ thực hiện theo tinh thần xã hội hóa mới đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ, giáo viên. Việc hợp đồng giáo viên theo thời vụ cũng không phải là giải pháp tối ưu. Đối với các trường ở khu vực trung tâm có điều kiện, tỉnh đang khuyến khích gom các bậc học thuận lợi, dần chuyển qua hình thức tư thục nhằm giảm áp lực cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện được giải pháp này cũng cần có một lộ trình”.

“Hạ bớt nhiệt”

Trước những khó khăn trong tổ chức các hoạt động dạy và học do thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã cho chủ trương tận dụng biên chế ngay trong ngành Giáo dục. Theo đó, các địa phương động viên, khuyến khích nhân viên trong trường học tham gia các lớp đào tạo nhằm chuyển qua biên chế giáo viên.          

Cô Hoàng Thị Ánh Nguyệt, Trường mầm non Hoa Sen, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) từ văn thư đã tham gia đào tạo chuyển đổi qua giáo viên

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được khoảng trên 55 biên chế nhân viên ở các trường học sang biên chế giáo viên. Trong đó,  huyện Cư Jút chuyển đổi được 15 người, Đắk Song: 10 người, thị xã Gia Nghĩa: 6 người, Đắk R’lấp: 5 người... Các vị trí được chuyển đổi chủ yếu là nhân viên y tế, thủ quỹ, văn thư... Ngoài những biên chế đã được chuyển đổi, sau khi thực hiện khuyến khích, động viên, các huyện, thị xã vẫn còn khoảng 100 hồ sơ đăng ký học chuyển đổi, chủ yếu là bậc mầm non. Đây dự kiến sẽ là nguồn biên chế góp phần “hạ bớt nhiệt” cho tình trạng thiếu giáo viên ở các trường.

>> Kỳ cuối: Cần một giải pháp bền vững

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở “bài toán” thiếu giáo viên (kỳ 2): Khắc phục theo kiểu "cầm cự"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO