Triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới ở bậc tiểu học: Còn thiếu quá nhiều giáo viên

Nguyễn Hiền| 15/02/2012 10:40

Để tăng dần khả năng sử dụng ngoại ngữ của người Việt Nam, trong năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dạy môn tiếng Anh mới cho học sinh từ lớp 3...

ADQuảng cáo

Để tăng dần khả năng sử dụng ngoại ngữ của người Việt Nam, trong năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dạy môn tiếng Anh mới cho học sinh từ lớp 3. Theo đó, từ năm học 2010-2011 sẽ triển khai cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm học 2019- 2020.

Việc sử dụng các thiết bị dạy học giúp phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ học

ADQuảng cáo

Theo lộ trình đã đề ra, trong năm học 2011-2012, tỉnh ta có 10%; dự kiến, đến năm 2014-2015, sẽ có 50% và đến năm học 2019-2020 sẽ có 100% số học sinh lớp 3 được học chương trình này. Theo thống kê, hiện nay tỉnh ta đã có 10 trường dạy thí điểm chương trình tiếng Anh mới gồm: Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi,  Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và Trường Tiểu học Phan Đình Phùng ở huyện Đắk R’lấp; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Trường Tiểu học Phan Chu Trinh ở thị xã Gia Nghĩa; Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Chư Jút; Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Đắk Song; Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm ở huyện Krông Nô và Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở huyện Đắk Mil. Đây là những trường đều đã đạt chuẩn về cơ sở vật chất, số học sinh là 35 em/lớp, và tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Theo đó, trong năm học 2011-2012, toàn tỉnh đã có 44 lớp 3 với 1.118 học sinh đã được tiếp cận chương trình tiếng Anh mới. Phương pháp chủ đạo trong việc dạy tiếng Anh mới ở bậc tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là dạy ngôn ngữ giao tiếp; hoạt động dạy và học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú, dưới các hình thức hoạt động cá nhân, theo cặp và nhóm với các hoạt động tương tác như: các trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh… Qua đó, học sinh sẽ được luyện tập đồng thời các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết… Còn giáo viên tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học, trong đó đặc biệt chú trọng tới hai kỹ năng nghe và nói nhằm giúp học sinh giao tiếp đơn giản một cách tự tin, tạo thói quen học tập từ nhỏ.

Theo các giáo viên, việc triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới  thì mặc dù ban đầu cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn. Vì có nhiều phương tiện để phục vụ cho việc giảng dạy, số học sinh lại được sắp xếp phù hợp nên rất thuận tiện và dễ dàng khi rèn luyện cho các em các kỹ năng nghe và nói. Đặc biệt, với việc áp dụng chương trình Anh văn mới này cũng đã phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ học so với việc áp dụng dạy môn Anh văn tự chọn như trước đây. Theo ông Lê Bá Cường, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) thì việc triển khai chương trình dạy tiếng Anh mới tạo thêm rất nhiều động lực để các trường tiểu học nâng cao chất lượng dạy bộ môn tiếng Anh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tuyển dụng giáo viên dạy môn tiếng Anh ở các trường tiểu học. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 10 giáo viên đạt được trình độ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu như yêu cầu của đề án. Nếu thực hiện đúng theo lộ trình thì dự kiến toàn tỉnh sẽ thiếu trên 300 giáo viên. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyển dụng những giáo viên đạt yêu cầu, ngành Giáo dục sẽ chú trọng đến việc bồi dưỡng đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu cũng như tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Cùng với đó, để thực hiện thành công lộ trình đã đề ra, ngành  cũng sẽ tập trung xây dựng các phòng học, bổ sung trang thiết bị, tài liệu, đầu tư các phòng dạy ngoại ngữ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới ở bậc tiểu học: Còn thiếu quá nhiều giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO