Trường hợp cần thiết thì dừng thực hiện Chương trình VNEN

Nguyễn Hiền| 13/12/2016 11:03

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông đã thông qua báo cáo kết quả về việc thu - chi các khoản đóng góp và một số nội dung liên quan công tác dạy và học tại các trường học. Trong đó, việc triển khai Chương trình dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) được xem là còn nhiều hạn chế, bất cập, trường hợp cần thiết thì dừng thực hiện.

ADQuảng cáo

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các trường có sĩ số học sinh/lớp đông, nên khi áp dụng việc chia nhóm học tập theo mô hình VNEN bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể như phòng học chật chội nên giáo viên khó khăn trong di chuyển để hỗ trợ học sinh các nhóm. Việc sắp xếp cho học sinh ngồi học đúng tư thế khó thực hiện, ảnh hưởng đến phát triển về thể chất.

Cùng với đó, nhiều trường có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, khả năng tiếng Việt còn hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức chưa phát huy được hiệu quả. Chất lượng học sinh không đồng đều cũng là nguyên nhân gây không ít khó khăn cho giáo viên khi áp dụng. Để có một tiết dạy tốt theo mô hình VNEN, giáo viên cần phải hướng dẫn cho học sinh một khoảng thời gian nhất định trước khi dạy, trong khi một tiết học chuẩn chỉ có 45 phút.

Lớp có đông học sinh dân tộc thiểu số nên giáo viên Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) gặp nhiều khó khăn khi dạy học theo mô hình VNEN.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói là hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo mới chỉ triển khai mô hình VNEN thí điểm với bộ sách giáo khoa thử nghiệm nên không bắt buộc nhân rộng mô hình. Việc triển khai chỉ thực hiện trên tinh thần tự nguyện đối với những trường, lớp có đủ điều kiện. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo thì năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã thực hiện đại trà mô hình VNEN ở bậc tiểu học với 139 trường, chiếm đến 90,9% số trường học. Bậc THCS cũng triển khai đại trà mô hình VNEN đối với 24/83 trường, trong khi chưa tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả của mô hình đối với học sinh. Tại hầu hết các trường được khảo sát, mô hình VNEN chỉ phát huy hiệu quả với những học sinh có học lực từ khá trở lên. Trong khi, số học sinh này ở các lớp chỉ chiếm khoảng 30-40%. Đối với học sinh có học lực trung bình và yếu thì các em không thể tự học được. Cũng qua phản ánh của cử tri và khảo sát thực tế, hầu hết đội ngũ giáo viên và phụ huynh chưa đồng tình với việc triển khai dạy học theo mô hình VNEN.

Trước thực tế đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung liên quan đến việc triển khai mô hình VNEN. Theo đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo tổ chức sơ kết, đánh giá chương trình VNEN có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Các đơn vị liên quan cần tiến hành kiểm tra chéo chất lượng học sinh đã học Chương trình VNEN để rút ra các mặt hạn chế. Trường hợp cần thiết, dừng việc thực hiện mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh và về lâu dài phải triển khai đổi mới phương thức tổ chức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm theo tinh thần chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trên cơ sở kết quả sơ kết đánh giá việc thực hiện thí điểm, UBND tỉnh cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng khu vực, địa phương và phân chia thành từng giai đoạn nhằm chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo yêu cầu. Học sinh dân tộc thiểu số cần được tăng cường khả năng tiếng Việt hơn nữa để bảo đảm nâng cao chất lượng khi Bộ Giáo dục - Đào tạo phổ biến áp dụng sách giáo khoa chính thức. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo ngành Giáo dục nghiên cứu, xem xét giảm thiểu các dự án giáo dục thí điểm trên địa bàn tỉnh để tạo tâm lý ổn định cho học sinh, phụ huynh, nhất là giáo viên có điều kiện nghiên cứu giáo án để truyền đạt kiến thức chuyên sâu tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường hợp cần thiết thì dừng thực hiện Chương trình VNEN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO