Xung quanh việc huy động kinh phí xây dựng nông thôn mới tại xã Nam Dong: Cần thực hiện đúng quy định để tạo sự đồng thuận

Bảo Ngọc| 09/10/2017 19:20

Từ đầu năm học mới 2017 - 2018 tới nay, nhiều người dân tại xã Nam Dong (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) tỏ ra bất bình trước việc các trường học từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn tổ chức thu tiền của các em học sinh để xây dựng nông thôn mới (NTM).

ADQuảng cáo

Trong khi nhiều người dân bất bình về khoản thu này thì lãnh đạo UBND xã Nam Dong khẳng định chính quyền xã thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và sự bất bình của người dân là do “hiểu chưa đúng” chủ trương của địa phương.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Nam Dong được đầu tư khang trang hơn trong năm học mới 2017 - 2018 (Trong ảnh: Phụ huynh đưa con tới trường nhập học)

Nhiều người dân chưa đồng thuận

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trên địa bàn xã Nam Dong, sau khi khai giảng năm học mới, các trường học từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn đồng loạt thông báo đến phụ huynh về việc thu tiền xây dựng NTM với mức đóng góp 400.000 đồng/học sinh. Sau khi nhà trường đưa ra thông báo, nhiều phụ huynh không đồng ý và tỏ ra bất bình.

Chị T.T.N, ở thôn 1, xã Nam Dong có con đang học lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Đầu năm học, các cháu phải đóng rất nhiều khoản tiền như BHYT, tiền thỏa thuận xã hội hóa, tiền học phụ đạo… Vậy mà nhà trường thông báo mỗi em phải đóng thêm 400.000 đồng để xây dựng NTM khiến phụ huynh chúng tôi rất ngỡ ngàng. Ngay tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi đã phản đối vì việc này quá vô lý. Trong khi đó, mỗi hộ dân đã phải đóng 830.000 đồng xây dựng NTM. Những gia đình khó khăn, có đông con đi học thì lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy để đóng?”.

Ông T.V.Q ở thôn 3, xã Nam Dong đang có cháu học lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Tất Thành cũng bức xúc: “UBND xã ngày nào cũng thông báo trên loa truyền thanh rằng hơn 70% dân trong xã đồng tình với quan điểm mỗi hộ phải đóng 830.000 đồng và mỗi học sinh từ mầm non đến THCS phải đóng 400.000 đồng. Trong khi đó, bản thân gia đình tôi và các hộ trong thôn không biết chuyện họp dân, không được đóng góp ý kiến và phần lớn đều phản đối thì lấy đâu ra số lượng đồng ý cao như thế. Chúng tôi rất bất bình và sẽ không đóng số tiền vô lý như vậy?”.

Qua trao đổi với PV, nhiều hộ dân tại xã Nam Dong cũng hết sức bất bình với phương án thu tiền xây dựng NTM qua học sinh. Một số người dân còn cho rằng vì chưa đóng khoản tiền này nên bị cán bộ UBND xã Nam Dong làm “khó dễ” khi đến giải quyết thủ tục hành chính.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong được nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục nhằm đạt trường chuẩn quốc gia

Xã khẳng định chủ trương đúng

ADQuảng cáo

Theo ông Bùi Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong thì địa phương là xã vùng 2 và trên địa bàn hiện có 8 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Để đạt tiêu chí số 5 về trường học trong xây dựng NTM thì xã Nam Dong phải có ít nhất 6/8 trường đạt chuẩn. Trong khi đó, xã hiện mới chỉ có 1 trường đạt chuẩn nên cần đầu tư xây dựng, nâng cấp 5 trường đạt chuẩn nữa. Theo tinh thần Nghị quyết số 28/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh, tại cuộc họp vào cuối năm 2016, UBND huyện Chư Jút đã thống nhất đầu tư xây dựng, nâng cấp 5 trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn xã Nam Dong để địa phương đạt chuẩn NTM trong năm 2017. Tổng kinh phí xây dựng các trường là 53 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện 36,2 tỷ, ngân sách sự nghiệp giáo dục 9 tỷ, ngân sách xã và huy động đóng góp 7,8 tỷ.

Theo Nghị quyết 28/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh Đắk Nông, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các trường Tiểu học, THCS tại các xã vùng 2 là 90%, nguồn huy động ngoài ngân sách và mức đóng góp của người dân là 10%. Đối với các công trình trường mầm non, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, nguồn huy động là 50%.

Do nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng trường học rất lớn nên UBND xã Nam Dong đã ban hành kế hoạch triển khai huy động nguồn kinh phí đóng góp từ nhân dân, phụ huynh trong xã. Để thực hiện việc này, xã đã tiến hành họp, lấy ý kiến chi ủy, chi bộ và Ban tự quản 19 thôn cùng Ban giám hiệu 8 trường học trên địa bàn xã. Sau đó, các thôn đã tiến hành họp dân và phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân thuộc diện cần huy động.

Theo thống kê của UBND xã Nam Dong vào cuối tháng 6/2017, tỷ lệ số dân đồng ý phương án trên tại 19 thôn trong xã đạt 71,5%, tỷ lệ không đồng ý 28,5%. Trên cơ sở đó, ngày 3/7, UBND xã Nam Dong đã có văn bản trình HĐND xã về việc thông qua phương án thu huy động tiền đóng góp của dân để xây dựng một số hạng mục của các trường học trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn và được HĐND xã thông qua bằng Nghị quyết ngày 17/7.

Theo phương án của UBND xã Nam Dong, tổng kinh phí huy động là hơn 3,1 tỷ đồng và chia theo tỷ lệ: 70% huy động từ các hộ dân trong xã và 30% huy động từ phụ huynh học sinh. Toàn xã có 2.650 hộ dân và 2.333 học sinh các bậc từ mầm non đến THCS thuộc đối tượng cần huy động. Số kinh phí cần huy động từ các hộ dân là 2.199,5 triệu đồng (tương đương 830.000 đồng/hộ) và số kinh phí từ các phụ huynh có học sinh đang theo học tại 8 trường của xã là 933,2 triệu đồng (tương đương 400.000 đồng/học sinh).

Đối với phụ huynh học sinh, UBND xã tổ chức thu vào đầu năm học 2017 - 2018 thông qua các trường học sinh theo học. Những phụ huynh có 1 con đang theo học thì đóng 1 lần, có 2 con đang học thì phân ra đóng 2 lần, trong 2 năm, 3 con thì đóng trong 3 lần trong 3 năm. Riêng các hộ dân thì xã sẽ tiến hành thu trong 3 năm với số tiền 2 năm đầu, mỗi năm  là 300.000 đồng và năm thứ 3 là 230.000 đồng.

Ngày 4/10, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND xã Nam Dong để xác minh sự việc học sinh phải đóng 400.000 đồng/em để xây dựng NTM. Sau khi làm việc, Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND xã Nam Dong không chỉ đạo các trường tiếp tục số tiền trên; đồng thời chuyển nhiệm vụ này cho các thôn, bon để vận động thu theo tinh thần Nghị quyết ngày 17/7 của HĐND xã, tránh gây áp lực cho nhà trường và học sinh. Sở GD&ĐT cũng kiến nghị UBND huyện Chư Jút chỉ đạo UBND xã Nam Dong xem xét để có cách thức huy động phù hợp để tránh tình trạng lạm thu trong trường học.

Bảo Ngọc

Theo ông Bùi Trọng Tuấn, việc xã tính toán số học sinh đang theo học và huy động phụ huynh đóng góp xây dựng trường học là đảm bảo tính công bằng cho nhân dân và được sự đồng thuận cao. UBND xã nhờ các trường thu hộ khoản tiền này vì các trường nắm được số lượng học sinh, tổ chức thu đối với phụ huynh vào đầu năm sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do các trường chưa làm tốt công tác phổ biến đã dẫn đến việc phụ huynh hiểu nhầm và có những ý kiến không hay. Sau khi nắm bắt ý kiến của các phụ huynh, lãnh đạo xã đã trực tiếp đến các trường học, giải thích cho phụ huynh hiểu rõ vấn đề này.

Về kết quả, đến ngày 3/10, ông Tuấn cho biết việc huy động đóng góp từ các hộ dân hiện đã đạt gần 30% kế hoạch năm 2017. Riêng đối với khoản thu đối với phụ huynh đang có con theo học, hiện có 2 trường báo cáo kết quả về UBND xã với tổng số tiền thu được là 14 triệu đồng (tương đương 35 học sinh đã đóng tiền).

Ông Tuấn cũng khẳng định không hề có chuyện cán bộ bộ phận một cửa của xã “làm khó” người dân khi đi lên làm các thủ tục hành chính. “Trong quá trình giải quyết, các cán bộ đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, vận động những hộ gia đình chưa đóng tiền thực hiện nghĩa vụ của mình chứ không hề có chuyện làm khó. Nếu có trường hợp nào phản ánh UBND xã không xác nhận giấy tờ, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm”, ông Tuấn cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc huy động kinh phí xây dựng nông thôn mới tại xã Nam Dong: Cần thực hiện đúng quy định để tạo sự đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO