Sức sống Trường Sa

Đức Diệu| 29/03/2018 15:54

Chúng tôi đến Quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2018, thời điểm rất nhiều đảo, điểm đảo vừa phải trải qua những cơn bão mạnh ở thời điểm cuối năm 2017. Một số đảo như Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa… nằm vào tâm bão của 2 cơn bão 15, 16 nên thiệt hại về vật chất, công trình là khá lớn. Vượt lên trên hết, dường như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt bao nhiêu thì sức sống của nơi đảo xa càng mãnh liệt bấy nhiêu.

ADQuảng cáo

Trong buổi họp báo trên tàu đầu tiên trước khi lên các đảo, ngoài việc phổ biến một số nội dung trọng tâm cũng như quy định trong quá trình hành quân tác nghiệp còn có nội dung đăng ký đề tài tác nghiệp cụ thể trên từng đảo, điểm đảo với Trưởng đoàn công tác. Một trong những nội dung được phóng viên đăng ký nhiều là khắc phục thiệt hại sau bão tại Quần đảo Trường Sa.

Vườn rau xanh trên đảo Trường Sa Đông đã xanh mướt trở lại sau khi được cán bộ, chiến sỹ rửa mặn đất, gieo trồng lại sau ảnh hưởng của cơn bão số 15

Mầm xanh trở lại

Khi con tàu chở đoàn thả neo để hạ xuồng vào đảo Trường Sa Đông, đứng trên boong tàu, nhìn đảo Trường Sa Đông như một đóa hoa chớm nụ đang được những đợt sóng trắng vỗ về.

Bước chân lên đảo, chúng tôi được tản bộ dưới tán những cây bàng vuông, cây tra, phong ba…xanh mướt. Phía dưới mặt đất, đá san hô là cây điên biển rải thảm hoa tím biếc trông như “khu vườn cổ tích”. Nếu không được các cán bộ, chiến sỹ trên đảo kể về thiệt hại trước đó thì ít ai nhận biết được đảo vừa phải  chống chọi qua hai cơn bão mạnh 15 và 16 đổ bộ. Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, cách đây gần 1 tháng, các đồng chí ghé đảo thì không được như thế này đâu. Bởi sau cơn bão số 15, nhiều cây xanh, công trình điện chiếu sáng bị gãy đổ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng chống trước bão cũng như khắc phục thiệt hại sau bão, đến nay, mầm xanh trên đảo đã trở lại gần như nguyên vẹn so với trước khi bão đi qua. Dạo dưới những tán cây xanh, đâu đó vẫn còn những thân, cành cây bị gãy đổ do bão đã được các chiến sỹ cắt tỉa cẩn thận và những chồi non mới đã mọc lên. Các công trình như nhà ở, điện chiếu sáng trên đảo bị thiệt hại cũng đã được khắc phục cơ bản, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tập luyện, trực sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ nơi đây.

Hoa, chồi non của cây xanh lại phủ kín trên đảo Trường Sa Đông

Đối với thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa) thì cơn bão số 16 xảy ra vào khoảng trung tuần tháng 12/2017 đã làm gần 90% cây xanh và nhiều cột đèn chiếu sáng, quạt gió của công trình điện gió bị gãy đổ. Ngoài ra, do nằm vào tâm bão đi qua, sóng biển cũng làm nhiễm mặn nghiêm trọng diện tích đất trồng rau trên đảo, làm đổ sập hoàn toàn 3 nhà kính trồng rau xanh…

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, cán bộ, chiến sỹ và người dân thị trấn đảo Trường Sa đã nỗ lực khắc phục thiệt hại bằng việc dựng lại toàn bộ các cây xanh bị gãy đổ, cắt cành, chăm gốc, xây dựng lại các công trình đổ sập và rửa mặn đất để khôi phục các vườn rau xanh. Đến nay, khoảng 80% thiệt hại sau bão ở trên đảo đã được khắc phục, đáp ứng cơ bản điện chiếu sáng, sinh hoạt, rau xanh và yêu cầu luyện tập, trực sẵn sàng chiến đấu.

Đối với những đảo đá (hay còn gọi đảo chìm), thiệt hại do bão gây ra tuy không lớn nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ. Một số đảo như Đá Đông, Đá Tây thì sau bão, vườn rau xanh, khu vực chăn nuôi, tăng gia sản xuất gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Thế nhưng, khi chúng tôi ghé thăm, những vườn rau nơi đây đã phủ kín màu xanh. Khu vực chăn nuôi cũng đã được xây dựng lại kiên cố để nuôi heo, gà, phục vụ nhu cầu thực phẩm kịp cho cái Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. 

Công nhân đang khắc phục lại hàng rào bị đổ sập do cơn bão số 16 gây ra trên Đảo Trường Sa lớn

ADQuảng cáo

Chung sức từ đất liền

Tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí sẵn sàng ăn Tết ngoài đảo chính là tinh thần của công nhân điện lực trong hoạt động khắc phục sự cố điện ở quần đảo Trường Sa sau bão với phương châm cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, điểm đảo phải đón Xuân Mậu Tuất 2018 trong ánh điện bừng sáng.

Ngoài thiệt hại về cây xanh, công trình nhà ở, sau cơn bão 15, 16, rất nhiều quạt gió, pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng khá nặng. Nếu không có sự giúp sức kịp thời từ đất liền, cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ trên đảo sẽ gặp không ít khó khăn.

Chiến sỹ đảo Đá Tây A (đảo Đá Tây) dựng lại mái lợp do bão tốc để trồng rau xanh

Vừa trèo xuống khỏi tháp gió cao chót vót trên đảo Đá Lát (Quần đảo Trường Sa), anh Nguyễn Văn Long, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần tư vấn và xây lắp Hà Nội vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang chảy nhiễu nhão trên mặt vừa phấn khởi cho biết: “Với tiến độ này, chỉ mất khoảng 3 đến 4 ngày, hệ thống điện gió, điện mặt trời trên đảo Đá Lát sẽ được khắc phục xong mọi sự cố”.  Được biết, đoàn khắc phục sự cố điện trên Quần đảo Trường Sa do Công ty cổ phần tư vấn và xây lắp Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện bắt đầu lên tàu rời cảng từ ngày 14/1/2018 và đến đảo Đá Lát ngày 16 nhưng do biển động nên đến chiều 18/1 các anh mới vào được. Vừa đặt chân xuống đảo là các anh đã bắt tay vào làm việc ngay đến tận khuya mới nghỉ; 5 giờ sáng hôm sau đã dậy bắt đầu công việc cho ngày mới. Cơn bão vừa rồi gây thiệt hại khá nặng nề, nhiều tấm pin năng lượng mặt trời trên đảo Đá Lát bị hư hại, hệ thống quạt gió không hoạt động, cán bộ, chiến sĩ phải chạy máy nổ mới có điện dùng.

“Lần đầu tiên ra đảo làm nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khó khăn nhưng bù lại được cán bộ, chiến sĩ ở đảo hỗ trợ rất nhiệt tình. Với tinh thần cả nước vì biển đảo nên ai cũng nỗ lực phấn đấu hết sức, trời mưa cũng mặc áo mưa vào làm việc. Các anh em đang khẩn trương thay tất cả các tấm pin năng lượng mặt trời bị hỏng, những ắc-quy hết hạn, sửa chữa động cơ quạt gió, đèn pha bị hư, sơn lại hệ thống tháp gió… đảm bảo cung cấp điện chiếu sáng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo”- anh Long cho biết.

Tương tự, trước khi ra đảo nhận nhiệm vụ đặc biệt này, anh Nguyễn Thành Lợi- Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh), cũng đã làm công tác tư tưởng với vợ vừa mới cưới cách đây vài tháng là năm nay có thể sẽ ăn Tết xa nhà. “Trước khi đi, công ty cũng đã có thông báo trước để anh em chuẩn bị tinh thần và xác định có thể ăn Tết ngoài đảo nếu công việc sửa chữa hệ thống điện ở các điểm đảo chưa hoàn thành”- anh Lợi nói.

Công nhân kỹ thuật từ đất liền ra khắc phục sự cố những tấm pin năng lượng mặt trời sau bão tại đảo Đá Lát

Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác cho biết: Đoàn công tác khắc phục bão số 16 trên tàu Trường Sa 12 đã vận chuyển một số vật chất, thiết bị và con người lên các đảo để khắc phục hậu quả của cơn bão để lại. “Đối với hệ thống năng lượng sạch, Điện lực Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Điện lực Ninh Thuận phối hợp với các đơn vị vừa khắc phục các trang thiết bị hư hỏng do bão vừa bảo dưỡng nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng. Bên cạnh đó, sau bão, nhiều cá nhân, tổ chức ở đất liền cũng đã gửi hàng chục tấn rau xanh, hạt giống, phân bón, nguyên vật liệu… để cùng chung sức cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa khắc phục hậu quả do bão gây ra”.

Có thể thấy, dù điều kiện khắc nghiệt, lại xa với đất liền song với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, dường như Trường Sa không còn xa xôi mà rất gần gũi với mỗi người con đất Việt. Đó là những tình cảm, sự sẻ chia trách nhiệm với tinh thần đất liền sao, Trường Sa vậy. Đây cũng chính là động lực, quyết tâm để các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn vững chắc tay súng, bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO