Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước

Tường Mạnh| 20/10/2015 09:43

Điều 34, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

Xuất phát từ đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một quyền mới của công dân là: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Quyền mới này là cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp. Chính sách an sinh xã hội bao gồm: Chính sách thị trường lao động và việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội... Hệ thống các chính sách an sinh xã hội được phân thành 3 nhóm.

Đầu tiên là nhóm mang tính chất chủ động phòng ngừa rủi ro, tập trung vào các chính sách tạo việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động. Tiếp đến là nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro tập trung vào các chính sách về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Và cuối cùng là nhóm chính sách nhằm khắc phục các rủi ro là toàn bộ các chính sách về trợ cấp xã hội.

Như vậy, bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam...

Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bằng việc thông qua và triển khai Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nước ta phấn đấu đến năm 2020, hệ thống bảo đảm an sinh xã hội sẽ bao phủ toàn dân. Trọng tâm là các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và các phúc lợi xã hội, các nguồn lực, cơ hội và thành quả phát triển cho người dân; ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và sinh viên; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người.

Những chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động thực tế và định hướng, mục tiêu phấn đấu nêu trên khẳng định sự nhất quán và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam. Ðó còn là bằng chứng mạnh mẽ nhằm bác bỏ luận điệu của những kẻ cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Ðồng thời, những sự thật hiển nhiên này cũng bác bỏ dứt khoát sự vu khống, bịa đặt trắng trợn và suy diễn méo mó của một số kẻ cho rằng, đâu đó trên đất nước Việt Nam còn có hiện tượng kỳ thị dân tộc và bỏ rơi người nghèo, nhất là ở nông thôn, người dân tộc thiểu số, miền núi.

Bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để phát triển đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO