Bảo vệ bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín là một nguyên tắc hiến định

Tường Mạnh| 23/06/2015 16:28

Khoản 2, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

ADQuảng cáo

Khi xã hội ngày càng phát triển, việc trao đổi thông tin được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, phổ biến nhất là sử dụng điện thoại di động, thư tín điện tử. Vì vậy, thư tín, điện thoại, điện tín và nói chung là những phương tiện liên lạc cá nhân là những “kênh” thông tin rất quan trọng, trong đó có chứa nhiều thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân, không thể bị người khác tự tiện xâm phạm. Đó là quyền tự do dân chủ chính đáng của mọi công dân, bảo đảm cho sinh hoạt xã hội an toàn một cách cần thiết.

Do đó, pháp luật của nhiều quốc gia cũng như của Việt Nam đều có những quy định bảo vệ bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín một cách khá nghiêm ngặt, thậm chí trở thành một nguyên tắc hiến định. Luật pháp cũng chế tài ngăn chặn những trường hợp xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác bằng những điều luật cụ thể.

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và vi tính, hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Hành vi vi phạm các quy định trên đây có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

ADQuảng cáo

Trong trường hợp người có điện thoại, điện tín, thư tín (bao gồm cả người nhận và người gửi) đang liên quan đến vụ án hình sự, nếu thấy cần thiết, cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát, thu giữ điện thoại, điện tín, thư tín để phục vụ cho hoạt động điều tra, nhưng việc áp dụng các biện pháp này phải theo đúng quy định của pháp luật.

Các quy định của pháp luật Việt Nam không chỉ ghi nhận và thể hiện sự tôn trọng các quyền bí mật thư tín, bí mật đời tư mà còn đề ra các biện pháp để bảo vệ những quyền này. Pháp luật cũng đã dự liệu các quy định về phạm vi, căn cứ, trình tự, thủ tục chặt chẽ đối với những trường hợp được phép tiến hành những hành vi có khả năng ảnh hưởng đến nhóm quyền này.

Việc khám người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm hoặc việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện chỉ được tiến hành trong trường hợp luật định và tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Việc khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng hình sự phải theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Khi khám xét phải có lệnh khám được Viện kiểm sát phê chuẩn; trường hợp không thể trì hoãn, lệnh khám có thể được thi hành ngay, nhưng trong vòng 24 giờ phải thông báo cho Viện kiểm sát.

Việc thu giữ thư tín, bưu phẩm bưu kiện phải có đại diện của cơ quan bưu điện và phải thông báo cho người sở hữu thư tín, bưu phẩm, bưu kiện đó. Các trường hợp khám xét đều phải lập biên bản. Khi thu giữ, tạm giữ thư tín, bưu phẩm bưu kiện, đồ vật phải bảo quản nguyên vẹn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín là một nguyên tắc hiến định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO