Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân

Tường Mạnh| 31/05/2016 08:57

Điều 45, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

ADQuảng cáo

Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân. Điều đó đã thành ý thức của mỗi người Việt Nam, xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Nghĩa vụ cao quý này được khẳng định trong rất nhiều bản Hiến pháp của nước ta. Hiện nay, đất nước ta hòa bình, ổn định, đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, luôn đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu đó đã góp phần tăng cường sức mạnh và tiềm lực mọi mặt của đất nước; đồng thời ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, thành tựu đó còn góp phần quan trọng trong việc củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa; tạo tiền đề để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đó, đất nước cũng còn đứng trước những khó khăn, thách thức. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Đảng và Nhà nước; bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

ADQuảng cáo

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt và đội ngũ thanh niên là những người tiên phong, phải luôn chắc tay súng canh giữ toàn vẹn từng tấc đất và biển, trời quê hương.

Đặc biệt, trước tình hình quốc tế và trong nước có những nguy cơ, diễn biến phức tạp, vấn đề chủ quyền biển đảo, đòi hỏi mọi người dân đều nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương của Đảng là luôn phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại. Con người Việt Nam phải được xây dựng, phát triển về trí tuệ, phong phú về tinh thần, trong sáng về phẩm chất đạo đức, cường tráng về thể chất, yêu quý và gắn bó với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Luật Nghĩa vụ quân sự cũng đã khẳng định: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được hiểu là nhập ngũ vào quân đội, ngoài ra còn có việc thực hiện nghĩa vụ thay thế, song đều có mục tiêu chung là bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được quy định tại các luật, pháp lệnh, làm căn cứ pháp lý khẳng định ý thức nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp..., nhằm góp phần xây dựng quốc phòng an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải có sức mạnh tổng hợp. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp là phải có được nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Điều đó chỉ có được khi mọi công dân, mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành ý thức đầy đủ được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Vì vậy, mọi công dân, mọi tổ chức, lực lượng đều phải tham gia theo phạm vi và khả năng của mình.    

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO