Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường quyết định sự bền vững của đất nước

Tường Mạnh| 10/02/2015 09:59

Khoản 1, Điều 63 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, để quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào, đa dạng của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên. Nhiều chương trình, dự án điều tra cơ bản về tài nguyên được thực hiện, nhất là điều tra địa chất khoáng sản.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại một cơ sở sản xuất tại xã Nâm N'Jang (Đắk Song). Ảnh: H.T

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên cũng còn một số hạn chế. Đó là, công tác quản lý tài nguyên chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về khai thác, sử dụng tài nguyên có chỗ còn chưa đúng, nhất là về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

Chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát với thực tế. Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, các giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên suy thoái, cạn kiệt.

Dựa trên tình hình thực tế của công tác quản lý tài nguyên thời gian qua cũng như dự báo tình hình sắp tới, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Theo quan điểm của Đảng thì ba vấn đề trên cùng quyết định sự bền vững của đất nước; là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước là chủ đạo. Đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản; vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.

Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế.

Về tăng cường bảo vệ môi trường thì phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng đến nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2050, Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường quyết định sự bền vững của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO