Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội

Tường Mạnh| 18/08/2015 09:46

Điều 28, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thể hiện tính trực tiếp của quyền lực nhân dân trong đời sống quản lý. Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Trước hết, đó là quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và của địa phương, quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước.

Trong thực tế, đây là hình thức đã trở thành thông lệ trong đời sống sinh hoạt chính trị ở xã hội ta. Mỗi khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội, trước khi thông qua quyết định, Nhà nước thường tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Với hình thức này, nhân dân tự mình trực tiếp đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng cách đó mà ý chí, trí tuệ của nhân dân ảnh hưởng đến các quyết định của Nhà nước.

Thực tiễn xác nhận đó là một kinh nghiệm, một hình thức dân chủ được Nhà nước ta thực hiện một cách nhất quán và có hiệu quả. Sau nữa, cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn.

Người dân được mở rộng quyền tham gia mạnh mẽ vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước nhằm đóng góp những ý kiến quan trọng cho việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào công việc quản lý nhà nuớc đã được ghi trong Hiến pháp, những bộ luật: luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật Khiếu nại, tố cáo, luật Phòng, chống tham nhũng…

Trong đó quy định cụ thể các điều kiện, hình thức, phương thức để nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước như việc các đại biểu, các cơ quan nhà nước phải tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của người dân, tiếp thu các ý kiến đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Các luật về các tổ chức chính trị - xã hội như luật Công đoàn, luật Thanh niên, luật Mặt trận Tổ quốc cũng cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công việc quản lý nhà nước. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 29 ban hành Quy chế Dân chủ cơ sở, trong đó quy định các việc chính quyền cơ sở phải công khai xin ý kiến của nhân dân và quy định cụ thể các công việc mà người dân có quyền quyết định tại địa phương.

Như vậy, các văn bản pháp lý hiện hành đã quy định khá cụ thể các hình thức, phương thức tham gia của nhân dân trong việc quản lý, xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Người dân có thể tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật thông qua đại biểu trong các cơ quan đại diện (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), các tổ chức chính trị - xã hội mà mình tham gia hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng người dân cũng có thể quyết định trực tiếp các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, hoặc trực tiếp quyết định các vấn đề ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Sự tham gia của nhân dân được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách: từ các đề xuất sáng kiến ban đầu, đến việc tiến hành triển khai xây dựng, quyết định và thi hành chính sách.

Có thể nói, các phương thức, hình thức để người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, vào công việc quản lý của Nhà nước đã được quy định rất đa dạng, phong phú. Nó cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hình thành nên các chính sách, pháp luật cũng như việc quyết định và thi hành pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO