Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú

Tường Mạnh| 13/07/2015 13:50

Điều 23, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

ADQuảng cáo

Với điều luật nêu trên của Hiến pháp, có thể hiểu rằng, việc tự do đi lại, tự do cư trú của mọi công dân Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam đều là hợp pháp và hợp hiến. Do vậy, không thể có bất cứ quy định nào có thể hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú của công dân trái với quy định của Hiến pháp.

Tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và đến nay, quyền cơ bản đó vẫn tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp, luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Quyền tự do đi lại và cư trú của công dân là một trong những quyền nhân thân quan trọng. Trên cơ sở sự công nhận và bảo hộ của Nhà nước mà công dân có thể có một nơi cư trú nhất định theo sự lựa chọn của bản thân, hay có quyền tự do đi lại đến nơi mình muốn mà không gặp cản trở từ phía người khác. Nhà nước tạo điều kiện để công dân có thể lựa chọn nơi cư trú cho mình và cho gia đình. Công dân có quyền tự do đi đến và rời khỏi nơi mình muốn đi hoặc đến.

Tuy nhiên, sự tự do lựa chọn nơi cư trú của công dân phải căn cứ trên cơ sở quy định của pháp luật. Không thể vì quyền tự do lựa chọn nơi cư trú của mình mà có thể vào cư trú tại những khu vực bị Nhà nước cấm như các khu quân sự, khu bảo vệ rừng phòng hộ. Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do cư trú, tự do đi lại để thăm dò các khu vực cấm và nghiêm cấm các cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tự do đi lại, cư trú của công dân.

ADQuảng cáo

Quyền tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền quan trọng cho sự phát triển cá nhân, đồng thời là tiền đề cho phát triển xã hội. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia, quyền tự do đi lại của các cá nhân cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định, dù là công dân của nước đó, công dân nước ngoài hay người không quốc tịch đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia sở tại.

Nói cách khác, mỗi nước có thẩm quyền riêng biệt trong việc xác định chế độ pháp lý về đi lại cho các bộ phận dân cư sinh sống trên lãnh thổ của mình. Khi xây dựng chế độ pháp lý nói trên, mỗi quốc gia cũng tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên. Phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại, cư trú của công dân, thể hiện xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Người có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý bằng cách hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú. Việc hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú có thể do tòa án quyết định thông qua bản án, trong đó có phần tuyên về việc cấm đi lại, cấm rời khỏi nơi cư trú hoặc cấm cư trú ở một khu vực, địa điểm nhất định trong khoảng thời gian nhất định; hay có thể do một cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quyết định tùy theo từng trường hợp cụ thể. Việc ra các quyết định hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú của công dân phải tuân theo các quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng hành chính, hay tố tụng hình sự...

Thể chế hóa quy định của Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành luật Cư trú để bảo đảm quyền tự do cư trú của các cá nhân... Cụ thể, tại Điều 9, luật Cư trú đã quy định quyền của công dân về cư trú như sau: Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO