Đất đai là tài sản quan trọng của quốc gia

Tường Mạnh| 14/10/2014 09:33

Khoản 1, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

Trước hết phải khẳng định, đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện cần cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Ở nước ta, khi còn nhiều người sống nhờ vào nông nghiệp, thì đất đai càng trở thành nguồn lực quan trọng.

Muốn phát huy tác dụng của nguồn lực đất đai, ngoài việc bảo vệ quỹ đất của quốc gia, còn phải quản lý đất đai hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sao cho vừa bảo đảm được lợi ích trước mắt, vừa tạo điều kiện sử dụng đất hiệu quả lâu dài để phát triển bền vững đất nước. Đất đai có vai trò quan trọng như vậy, nên việc hoàn thiện chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Thực tiễn trong gần 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực cho việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực đặc biệt quan trọng này. Hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở nước ta đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện để phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc củng cố chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Chính sách, pháp luật về đất đai cũng từng bước mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa, được giao dịch trên thị trường bất động sản; thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, làm cho đất đai trở thành nguồn nội lực ngày càng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về đất đai đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân.

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, Nhà nước cũng đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Nhà nước cũng chú trọng sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý: pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính trong quản lý đất đai, đảm bảo các quan hệ đất đai vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.

Các biện pháp kinh tế (thuế, phí và cơ chế tài chính khác...) được tăng cường áp dụng để điều tiết vĩ mô các hành vi của con người trong việc sử dụng đất đai. Công tác lập quy hoạch ngày càng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quan tâm đến vấn đề kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu.

Các công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác điều tra, đánh giá số lượng và chất lượng đất đai được tăng cường ứng dụng. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu và hệ thống hồ sơ địa chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, đảm bảo công khai, minh bạch.

Có thể nói, đất đai là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đất nước, đến đời sống của toàn thể nhân dân. Vì vậy, việc thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp và luật Đất đai năm 2013 sẽ tiếp tục khơi dậy sức sống và khả năng sáng tạo của người dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất đai là tài sản quan trọng của quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO