Hiến pháp đề cao quyền tự do lao động của công dân

Tường Mạnh| 18/11/2014 08:56

Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của người lao động để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Công dân có sức lao động phải được làm việc để duy trì sự tồn tại của bản thân và góp phần xây dựng xã hội, thực hiện các nghĩa vụ đối với những người xung quanh trong cộng đồng. Vì vậy, giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Trên tinh thần Hiến pháp, luật Việc làm năm 2013 cũng đã quy định rõ, việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm. Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội, phát triển thị trường lao động; Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp…

Theo các nhà chuyên môn, về cơ bản, pháp luật lao động nước ta không mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, thậm chí còn ở mức tiến bộ so với thông lệ quốc tế. Với việc khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, Hiến pháp đã đề cao quyền tự do lao động của công dân.

Người lao động tham gia vào quan hệ lao động, họ có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào, làm bất cứ công việc gì mà pháp luật không cấm. Người lao động có quyền chủ động nắm bắt công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe của mình. Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm công việc.

Trong trường hợp điều kiện lao động không đảm bảo hoặc khi có cơ hội tốt hơn, người lao động có thể chấm dứt quan hệ lao động này để tham gia vào quan hệ lao động khác trên cơ sở của pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp, cá nhân trở thành người sử dụng lao động và tham gia thị trường lao động sẽ được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sử dụng nhiều lao động. Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động không chỉ tự do lựa chọn việc làm mà còn được người sử dụng lao động cam kết đảm bảo làm việc lâu dài, phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn.

Trên cơ sở đó, khi người lao động thực hiện một nội dung công việc nào đó, thì bên sử dụng sức lao động phải trả công, hoặc trả lương và đảm bảo những điều kiện lao động cần thiết khác cho người lao động. Khi mục tiêu và lợi ích các bên được đảm bảo và ngày càng thỏa mãn thì quan hệ lao động mới thật sự tiến bộ, lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Người sử dụng lao động có sự quan tâm đến chế độ cho người lao động như: tiền thưởng, phụ cấp, các khoản hỗ trợ... cũng như chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn và luôn ứng xử có văn hóa. Ngược lại, người lao động cùng công đoàn cơ sở sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, có ý thức làm việc với tinh thần trách nhiệm, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Việc đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng cho người lao động như: việc làm, thu nhập, thời gian ổn định, không có biến động đáng kể về sản xuất, kinh doanh…là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Còn việc duy trì trạng thái cân bằng về lợi ích, giảm thiểu mâu thuẫn phát sinh, lựa chọn hợp tác, thương lượng là trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Bất kỳ mâu thuẫn nào xảy ra nếu được giải quyết trên sự hài hòa giữa các bên sẽ tạo ra một quan hệ lành mạnh, đưa doanh nghiệp phát triển, không ngừng nâng cao thu nhập đời sống cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến pháp đề cao quyền tự do lao động của công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO