Mọi người đều được Nhà nước bảo vệ khỏi bị bắt, giữ, giam tùy tiện

Tường Mạnh| 02/06/2015 09:12

Khoản 2, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

Quyền tự do thân thể, không bị bắt, giam giữ tùy tiện, trái pháp luật là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, được nhân loại thừa nhận. Để đảm bảo quyền này, các quốc gia thành viên, một mặt phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, ngăn chặn sự vi phạm quyền tự do thân thể, mặt khác, phải đảm bảo trong những trường hợp vì mục đích duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích của cá nhân; việc bắt, giam, giữ một người phải được tiến hành theo quy tắc nhất định, do những người có thẩm quyền quyết định và tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Theo các nhà chuyên môn, về cơ bản pháp luật của Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến quyền tự do về thân thể, được đảm bảo không bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ, không bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước tự do đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định và yêu cầu đảm bảo rằng bất kỳ người bị bắt giữ đều được thông báo vào lúc bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ.

Theo Hiến pháp của Việt Nam, mọi người đều được Nhà nước bảo hộ quyền tự do thân thể và được bảo vệ khỏi bị bắt, giữ, giam tùy tiện như là một quyền cơ bản, nền tảng. Chỉ trong một số trường hợp mà pháp luật cho phép, việc bắt, giữ, giam một người có thể được tiến hành bởi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ của pháp luật.

Bộ Luật hình sự Việt Nam có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc các hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của con người. Bất kỳ chủ thể nào thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật thì có thể bị xử lý với khung hình phạt cao nhất từ 3-10 năm tù giam.

Các chủ thể đặc biệt như hội thẩm, thẩm phán khi tham gia xét xử đã ra những phán quyết, quyết định trái pháp luật mà xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người bị kết án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức án có thể lên đến 15 năm tù. Các cán bộ có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ra quyết định biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của công dân thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giam, giữ người trái pháp luật thông qua hành vi không ra quyết định hoặc không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.

Để tránh việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, lao động... pháp luật của Việt Nam cũng không cho phép việc bỏ tù một người chỉ vì lý do người đó không hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng. Để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, của công dân, luật cũng quy định khá chặt chẽ về các trường hợp bắt người, về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như thời hạn tạm giữ, tạm giam người, nhất là khi họ chưa phải là tội phạm.

Có thế nói, so với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013  khẳng định mạnh mẽ và thể hiện sự coi trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân mà các quyền này được pháp luật bảo hộ.

Việc bảo đảm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể là căn cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc tạm giữ, tạm giam. Đây là cơ sở để hạn chế tới mức thấp nhất vi phạm về tạm giữ, tạm giam hoặc hạn chế những oan, sai, bồi thường thiệt hại về tạm giữ, tạm giam của các cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự và bảo đảm quyền con người trong tiến trình cải cách tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi người đều được Nhà nước bảo vệ khỏi bị bắt, giữ, giam tùy tiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO