Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định

Tường Mạnh| 09/09/2015 10:39

Khoản 1 và khoản 2, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.  

Với khẳng định trên cho thấy, chỉ có tòa án mới có quyền tuyên bố một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ. Không chỉ khẳng định chỉ tòa án mới có quyền tuyên bố một người phạm một tội nào đó mà trong giai đoạn xét xử còn phải thể hiện quyền được xét xử công bằng của bất kỳ người bị buộc tội nào.

Quyền được xét xử công bằng là một tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ cá nhân không bị lấy đi, tước đoạt một cách độc đoán những quyền tự do cơ bản. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ 1945 đến nay đã thể hiện việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong các quy định về hoạt động xét xử của tòa án.

Đây là cơ sở để xóa bỏ định kiến, hễ người bị truy tố là nhất định có tội và bị đối xử như với người có tội. Do đó, bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để tòa án có thái độ hoàn toàn khách quan.

Trong quá trình tố tụng tiền xét xử, rất nhiều trường hợp bị cáo bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. Chính vì vậy, họ có quyền được xét xử không quá mức chậm trễ tại tòa án và tại tòa, họ mới bị tuyên có tội hay không. Việc xét xử phải đảm bảo không được chậm trễ quá mức tại tòa cho người bị buộc tội để từ đó nhanh chóng đưa ra bản án kết tội hoặc nhanh chóng đưa họ ra khỏi vòng quay tố tụng hình sự nếu việc buộc tội không thực hiện được.

Việc đánh giá được xem là chậm trễ quá mức hay không phụ thuộc vào tính phức tạp của vụ án, nhân thân bị cáo, tình trạng có bị giam giữ hay không. Theo bộ luật Hình sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử là đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tương ứng là 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, tòa án cũng có thể đưa vụ án ra xét xử và cũng có thể đình chỉ vụ án. Những căn cứ mà tòa án phải đình chỉ vụ án là: Người thực hiện hành vi phạm tội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm đã được đặc xá. Đây là những trường hợp bị cáo không bị coi là có tội.

Bản án hình sự là hình thức pháp lý của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự chỉ do tòa án ban hành, trong đó tuyên bố một người phạm tội hoặc không phạm tội. Mọi quyết định của tòa án trong bản án phải dựa trên hệ thống chứng cứ được thu thập một cách khách quan, đầy đủ, hợp pháp và toàn diện trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và phải được đưa ra xem xét, đánh giá công khai, dân chủ, bình đẳng tại phiên tòa.

Bản án hình sự sơ thẩm chỉ có hiệu lực khi nó không có kháng cáo kháng nghị trong thời hạn luật định. Điều đó cho thấy, dù đã có bản án kết tội nhưng nếu bản án ấy bị kháng cáo, kháng nghị (loại trừ những kháng cáo kháng nghị không liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo) thì bị cáo vẫn được coi là không có tội.

Trong quá trình xét xử phúc thẩm, tòa án và cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc giống như trong quá trình xét xử sơ thẩm trong việc chứng minh và đối xử với bị cáo. Theo đó, tại phiên tòa phúc thẩm, viện kiểm sát, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác vẫn có quyền bổ sung chứng cứ. Quy định này tiếp tục đảm bảo quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo nhằm đảm bảo cho xét xử phúc thẩm được khách quan, toàn diện và chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO