Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc

Tường Mạnh| 08/12/2015 08:48

Khoản 3, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta đề cập đến quyền của người cao tuổi với nội dung toàn diện, phản ánh đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác người cao tuổi trong xu thế chung của thế giới và nước ta là già hóa dân số đang là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu.

Thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật, từng bước tạo dựng được hệ thống chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xác định được mục tiêu của người cao tuổi là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Luật Người cao tuổi được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng quý giá, một lực lượng xã hội quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân, quy định các chính sách cụ thể về chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội.  Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người cao tuổi.

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, trong đó xác định 9 hoạt động chủ yếu liên quan đến việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội.

Xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động vì người cao tuổi, ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg về việc lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.

Đây là dịp nhắc nhở tất cả mọi người, các cấp, các ngành và lãnh đạo địa phương quan tâm chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, khẳng định sự đóng góp của người cao tuổi được xã hội, Nhà nước tôn trọng. Đồng thời phát huy vai trò người cao tuổi và chăm sóc, phụng dưỡng, kịp thời trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi gia đình, Người cao tuổi không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách mà còn giữ vai trò chủ đạo trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi là bổn phận, trách nhiệm của các thế hệ con cháu.

Theo truyền thống gia đình của người Việt, phần lớn người cao tuổi đang sống cùng với con, cháu, nên việc chăm sóc, phụng dưỡng càng trở nên quan trọng và cần thiết. Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi không chỉ thể hiện ở việc chu cấp kinh tế mà còn là sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Mỗi người con, người cháu cần chăm lo động viên tinh thần ông bà, cha mẹ, yêu thương và tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi trong các vấn đề sinh hoạt gia đình cũng như giao tiếp ngoài xã hội.

Do khả năng kinh tế đất nước còn có hạn, nhiều chính sách đối với người cao tuổi đã được xây dựng, nhưng chưa có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, với một hệ thống pháp luật bảo đảm đầy đủ, chắc chắn khi kinh tế đất nước càng phát triển, người cao tuổi càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi về vật chất, tinh thần hơn. Tính mạng, tài sản của người cao tuổi ngày càng được pháp luật bảo vệ chặt chẽ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội  vững chắc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO