Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam

Tường Mạnh| 12/05/2015 09:15

Điều 18, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có gần 4 triệu người làm ăn, sinh sống rải rác ở gần 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, như Bắc Mỹ, Oxtraylia, Tây Âu (Pháp, Đức), Nga và các nước Đông Âu, các nước Châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc…). Phần đông người dân có cuộc sống ngày càng ổn định và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước sở tại.

Cuộc sống cũng như các hoạt động  của cộng đồng Việt kiều luôn có ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước sở tại với Việt Nam. Bên cạnh đó, trong những năm qua, hàng trăm ngàn người Việt Nam đã ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình, hình thành các cộng đồng người Việt Nam đáng kể ở một số địa bàn như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…

Tiềm lực chất xám, trí tuệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là đáng kể, nhất là ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nga, Đông Âu. Có tài liệu ước tính khoảng 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có thông tin kiến thức cập nhật về khoa học và công nghệ, về kinh tế.

Trên thực tế, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được các vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, các công ty quốc tế lớn. Rõ ràng, một thế hệ trí thức mới, với những người có nguồn gốc Việt Nam đang hình thành và phát triển, tham gia vào nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế mũi nhọn ở nơi sinh sống.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài chiếm một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26/3/2004 thể hiện rõ quan điểm: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn động lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ, hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Để huy động được hết mọi tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết 36 còn nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại; chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nâng cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; đoàn kết, đùm bọc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà; tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người góp phần xây dựng quê hương đất nước, chủ động đấu tranh với các biểu hiện cố tình đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc”.

Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó và đóng góp cho quê hương, đất nước như: ban hành quy chế miễn thị thực cho kiều bào, quy định thông thoáng về đầu tư, về quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở tại Việt Nam với nhiều ưu đãi…

Những chính sách, biện pháp này được áp dụng cho tất cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt những người đã từng cộng tác với chính quyền miền Nam Việt Nam trước đây. Vì vậy, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước thăm quê hương, giao lưu, hợp tác, đầu tư kinh doanh và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể nói, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, lần đầu tiên chính sách đó được ghi rõ trong Hiến pháp, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tập hợp đồng bào, cả trong nước và nước ngoài, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu chung: “độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO