Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội

Tường Mạnh| 24/11/2015 08:51

Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Nâm Nung (Krông Nô) vui chơi ở khu vận động thể chất do nhà trường và phụ huynh cùng làm. Ảnh: Nguyễn Hiền

Đảng và Nhà nước ta rất quyết tâm và đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã nhấn mạnh: Trẻ em cần phải được coi như những công dân đặc biệt của xã hội, được Nhà nước và nhân dân chăm sóc và được dành cho những ưu tiên cũng như tạo môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 15/6/2004 quy định: “Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”.

Luật cũng quy định tương đối đầy đủ các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

Sau khi luật đi vào cuộc sống, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em được nâng cao; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt kết quả cao; khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, các chỉ số về dinh dưỡng, sức khỏe trẻ em được cải thiện rõ rệt; có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, luật Hôn nhân và Gia đình, luật Phổ cập giáo dục tiểu học... cũng có những điều khoản riêng liên quan đến trẻ em.

Trên phương diện quốc tế, Việt Nam cũng rất quan tâm, tích cực tham gia các diễn đàn bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Có thể nói, luật pháp và chính sách của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng phù hợp với thực tiễn ở nước ta và tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Các chính sách đã tạo hành lang pháp lý để huy động mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tích cực, chủ động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em! Đó là thông điệp chung mà nhân loại tiến bộ luôn kỳ vọng, trông đợi và tin tưởng vào thế hệ tương lai. Vì vậy, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO