Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân

Tường Mạnh| 11/08/2015 09:17

Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

ADQuảng cáo

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. 

Ngay từ Hiến pháp 1946-bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều thứ 18 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền bầu cử và ứng cử tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp sau đó.Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

ADQuảng cáo

Quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là quyền của công dân được trở thành ứng cử viên khi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Quyền ứng cử bao gồm quyền được giới thiệu ứng cử và quyền tự ứng cử.

Trên cơ sở cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử theo phân bổ, cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xem xét các tiêu chuẩn của người được ứng cử, sau khi lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại hội nghị cử tri, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử và đưa vào danh sách hiệp thương. Công dân có thể tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nếu tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Có thể nói, ở nước ta, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền chính trị rất quan trọng, là vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử một cách tự nguyện. Vì vậy, các cuộc bầu cử luôn có số cử tri tham gia rất đông. Hình thức ghi nhận quyền bầu cử của công dân là danh sách cử tri. Công dân có quyền bầu cử, cư trú thường xuyên hay tạm thời ở đâu đều được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi đó.

Để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, pháp luật còn quy định thủ tục khiếu nại và xem xét, giải quyết khiếu nại về vấn đề này. Để tránh tùy tiện trong việc hạn chế quyền bầu cử của công dân, pháp luật quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, đó là: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án đã có hiệu lực; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO