Quyền công dân được công nhận, tôn trọng, pháp luật bảo vệ

Tường Mạnh| 04/08/2014 14:19

Điều 14, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Công dân được pháp luật bảo vệ, là một trong những quyền cơ bản của con người mà hiến pháp của nhiều nước trên thế giới hiện nay đều công nhận. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng của nền công lý hiện đại mà thế giới loài người văn minh ngày nay đã đấu tranh giành được.

Song trong cuộc sống, đấu tranh xảy ra hàng ngày, quyền công dân được pháp luật bảo vệ không phải lúc nào cũng được thực thi một cách hữu hiệu, đầy đủ và kịp thời. Ở nhiều nước, nơi nào tình trạng độc đoán, chuyên quyền còn ngự trị thì quyền công dân được pháp luật bảo vệ chỉ tồn tại hình thức trong các văn bản pháp luật mà thôi.

Ở nước ta, một điều phải khẳng định, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền công dân được pháp luật bảo vệ đã được ban hành, áp dụng từ ngày có chính quyền cách mạng.

Quyền công dân được thực thi ngày một rộng rãi về mặt nội dung và ngày càng thêm chắc chắn bởi các biện pháp bảo vệ mang tính hiệu quả cao. Điển hình, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tự do, nhân phẩm, tài sản của công dân, chống lại những hành vi phạm tội, Nhà nước đã tổ chức ra hệ thống các cơ quan điều tra hình sự, các viện kiểm sát nhân dân và các tòa án hình sự để chuyên trách đấu tranh với tình trạng phạm tội.

An ninh đất nước, an toàn xã hội được đảm bảo là do hoạt động có hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần tạo nên. Để bảo vệ các quyền dân sự của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu phi tài sản, Nhà nước đã tổ chức ra tòa án dân sự với chức năng giải quyết các tranh chấp về dân sự, về hôn nhân trong nhân dân.

Hoạt động của các tòa án dân sự đã góp phần bảo vệ kết quả các quyền sở hữu về động sản, bất động sản của công dân, bảo vệ các quan hệ tốt đẹp về gia đình và hôn nhân. Điều này đã góp phần tạo nên tâm lý “an cư lạc nghiệp” trong lòng người dân, ổn định xã hội và thanh bình cho đất nước.

Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ chế độ bao cấp, tập trung quan liêu sang chế độ hạch toán kinh tế, để bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các thành phần kinh tế, Nhà nước đã thành lập hệ thống tòa án kinh tế để xét xử những vụ tranh chấp trong thực hiện hợp đồng kinh tế.

Hoạt động xét xử của các tòa án kinh tế góp phần làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nền kinh tế thị trường phát triển một cách lành mạnh, bảo vệ cho các hoạt động ấy không bị thiệt hại bởi những hành vi lường gạt, tráo trở, lật lọng của những kẻ làm ăn bất chính.

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn khách quan, hệ thống tòa án hành chính cũng đã được thành lập, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước trước nhân dân.

Hệ thống tòa án hành chính là công cụ bảo vệ nhân quyền và dân quyền của công dân, góp phần đấu tranh phòng, chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước và cán bộ, nhân viên nhà nước trong khi thi hành công vụ.

Tòa án hành chính không những có vai trò to lớn trong việc tạo lập và duy trì một chế độ kỷ cương, pháp chế nghiêm minh trong hoạt động của bản thân các cơ quan nhà nước mà còn góp phần to lớn vào việc đổi mới và hoàn thiện không ngừng nền hành chính quốc gia.

Không những vậy, công tác đấu tranh phòng, chống và ngăn ngừa các hành vi lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, lợi dụng quyền lực hoặc dung túng, bao che của các cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ, nhân viên nhà nước ngày càng hiệu quả hơn.

Có thể nói, mặc dù ở một số lĩnh vực, quyền công dân được pháp luật bảo vệ chưa được thực hiện nghiêm và đầy đủ, có lúc, có nơi, sự vi phạm dân quyền còn xảy ra, nhưng phải khẳng định, thành tựu trong sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ quyền công dân ở nước ta là to lớn và cơ bản.

Nếu một công dân bị vi phạm các quyền được ghi trong Hiến pháp thì việc sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ về quyền và lợi ích được các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Hiến pháp, pháp luật một mặt đề cao quyền tự do dân chủ của công dân, một mặt đề cao quyền uy, quyền hạn, trách nhiệm của bộ máy nhà nước, của các cơ quan, các nhà chức trách, các công chức nhân danh Nhà nước thực thi công vụ.

Pháp quyền của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân là pháp quyền dân chủ nhất và cũng là nghiêm minh nhất. Đây là cơ sở để vừa bảo đảm quyền dân chủ, vừa bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cho phép dù là cơ quan nhà nước, công chức hay công dân làm rối loạn trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền công dân được công nhận, tôn trọng, pháp luật bảo vệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO