Quyền sống được gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng

Tường Mạnh| 20/05/2015 09:03

Điều 19, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Có thể nói, quyền sống đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, thông qua việc nhắc lại một mệnh đề trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Sau đó, trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, quyền sống cũng được thể hiện thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền sống được nêu trực tiếp trong Điều 19 và được xem là gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng.

Việc hiến định quyền sống là một trong những sự phát triển tiến bộ lớn trong chế định về quyền con người, quyền công dân, chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Việc hiến định quyền sống cũng được xem là bước ghi nhận rõ rệt đối với những cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền được sống của tất cả mọi người, ngày càng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Quyền sống còn được một số bộ luật nước ta quy định (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự) nay được hiến định sẽ bảo đảm tính pháp lý cao hơn, đồng thời góp phần nâng cao vị thế nước ta trước cộng đồng quốc tế.  

Bên cạnh đó, với việc Hiến pháp hiến định, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, thì Điều 7, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định, công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Theo đó, nếu người điều tra có hành vi đánh đập, bức cung bị can, người làm chứng thì người điều tra đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý bằng hình thức khác…Mặt khác, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo thực thi quyền sống, pháp luật Việt Nam cũng ngày càng được hoàn thiện, từng bước xóa bỏ những bất cập, chồng chéo, loại bỏ các quy định không phù hợp với pháp luật quốc tế, bổ sung các quy định còn thiếu, nhất là có nhiều nỗ lực hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm tính mạng con người.

Các quy định của Luật Hình sự Việt Nam đã có các quy định ngày càng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, một mặt chỉ quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặt khác, có các quy định về ân giảm, không tử hình đối với một số đối tượng như người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng...

Đặc biệt, pháp luật hình sự đã có các quy định nhằm trừng trị các hành vi xâm phạm quyền sống của con người thông qua việc mở rộng các quy định nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sống của cá nhân. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những nguyên tắc thể hiện rõ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh. Người phạm tội phải bị đưa ra xét xử, chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội. Đồng thời, các quy định của pháp luật thể hiện mục đích của hình phạt không chỉ là trừng trị mà còn chủ yếu là giáo dục, cải tạo răn đe và phòng ngừa tội phạm, đây là yêu cầu cơ bản để đảm bảo quyền con người trong một nhà nước pháp quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền sống được gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO