Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Đổi mới tư duy quản lý kinh tế tạo ra sức mạnh cho sự nghiệp phát triển của đất nước

Tường Mạnh| 14/07/2014 09:40

Điều 51, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Dây chuyền đóng gói ở Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông, KCN Tâm Thắng (Chư Jút). Ảnh: T.N

Có thể nói, từ Đại hội VI (1986) của Đảng, với đường lối và chính sách đổi mới đã đặt cơ sở, nền tảng ban đầu cho giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc, trong đó có đổi mới tư duy quản lý kinh tế, đột phá khẩu cho đổi mới các lĩnh vực tiếp theo.

Bước ngoặt trong đổi mới quản lý kinh tế của Đảng là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thành tựu nổi bật nhất trong bước khởi đầu là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Quan điểm về mô hình nền kinh tế trong thời kỳ quá độ đã thay đổi căn bản và đến nay đã được xác lập, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ có hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể mà tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Qua quá trình phát triển nhận thức, cũng như tư duy lý luận về các thành phần kinh tế ngày một hoàn chỉnh, nền kinh tế nước ta đã được xác lập gồm 5 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư hữu tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Không chỉ dừng lại ở việc xác định số lượng các thành phần kinh tế tồn tại trong nền kinh tế, mà nước ta còn xác lập đúng vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Một điều phải khẳng định, sự đổi mới tư duy quản lý kinh tế về các thành phần kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt, nó tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức trong toàn xã hội phát huy mọi tiềm năng, sáng tạo, tạo ra sức mạnh to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đồng thời, nó là động lực to lớn cho sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Thông qua tính dân chủ trong hoạt động kinh tế, mọi cá nhân đều có quyền tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bình đẳng theo pháp luật.

Qua gần 30 năm đổi mới, tư duy về kinh tế thị trường của Đảng ta cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Từ việc ban đầu mới khẳng định sự cần thiết phải sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới CNXH thì từng bước, Đảng đã khẳng định cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Sau đó, Đảng ta tiếp tục đánh dấu thêm một bước phát triển mới trong đổi mới tư duy lý luận kinh tế với việc xác định: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Đại hội X của Đảng còn làm sáng tỏ thêm nội dung cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, đó là nắm vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại hình thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nền kinh tế không chỉ độc tôn bàn tay kế hoạch của Nhà nước, mà phải được vận hành bởi hai bàn tay: thị trường và Nhà nước.

Thực hiện cơ chế thị trường đã khuyến khích sự làm giàu hợp pháp, tháo gỡ sự kìm hãm sản xuất và lưu thông. Cơ chế thị trường cũng đã góp phần phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các khu vực trong nước, giữa thành thị và nông thôn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi, cải thiện đời sống nhân dân. Sự phá bỏ độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phát huy tính năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, quá trình đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế cũng được Đảng khởi xướng. Với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh có hiệu quả và bền vững đã đem lại thành tựu to lớn cho đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức kinh tế, tiền tệ thế giới và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Đặc biệt, Việt Nam đã đẩy lùi được chính sách bao vây, cô lập về chính trị, cấm vận về kinh tế của các thế lực thù địch.

Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước đã từng là thù địch chống nước ta, đều coi Việt Nam là đối tác tin cậy, là thị trường giàu tiềm năng và ổn định, là nơi đầu tư hết sức lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không ít quốc gia lớn, có tiềm lực kinh tế xem Việt Nam là đối tác kinh tế chiến lược.

Những thành tựu đạt được trong đổi mới tư duy kinh tế của Đảng trong thời gian qua là hết sức to lớn, có thể ví như một cuộc cách mạng thật sự về kinh tế đối với nước ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay, thực tế cũng đang đòi hỏi phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cho phù hợp với điều kiện của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới và của thời đại.

Vì vậy, chủ trương của Đảng vẫn là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy quản lý kinh tế để giải quyết tốt những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, cũng như lý luận kinh tế. Đặc biệt, việc nhận thức lại những luận điểm, mô hình phát triển kinh tế của các nước phát triển, gợi mở những đường hướng đổi mới tư duy kinh tế trong thực tiễn phát triển nền kinh tế nước ta, bằng sự kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn là điều hết sức cần thiết, cần được chú trọng.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Đổi mới tư duy quản lý kinh tế tạo ra sức mạnh cho sự nghiệp phát triển của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO