Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tường Mạnh| 21/07/2015 10:14

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

ADQuảng cáo

Trong điều kiện đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân sẽ góp phần tạo ra động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tập hợp được quần chúng có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo đảm cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Điều đó không những được nêu rõ ở những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng mà Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền đó cho người dân phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết gia nhập ngày 24/9/1982. Việt Nam cam kết tôn trọng và thực hiện có hiệu quả các quyền được Công ước ghi nhận bằng hoạt động lập pháp cũng như bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trên thực tế.

ADQuảng cáo

Trong pháp luật Việt Nam, quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, bên cạnh các quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều bộ luật quan trọng khác của Nhà nước Việt Nam.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ở Việt Nam được pháp luật ghi nhận phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự. Pháp luật Việt Nam một mặt thừa nhận và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, mặt khác cũng đề ra những  phạm vi, giới hạn của việc thực hiện quyền đó. Điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, một mặt khẳng định: “Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”; mặt khác cũng quy định phạm vi, giới hạn của quyền ấy: “Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái pháp luật, chính sách của Nhà nước, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội phá hoại chính sách đoàn kết, trong đó có hành vi “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội” thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO