Ưu đãi người có công với nước là chính sách lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc

Tường Mạnh| 15/12/2014 10:15

Khoản 1, Điều 59 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước.

Ưu đãi người có công với nước là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự tôn vinh của Tổ quốc và nhân dân đối với những người đã hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu non trẻ của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và nêu lên những quan điểm cơ bản về ưu đãi người có công với cách mạng, hình thành chính sách ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Để ghi nhớ công ơn những người con ưu tú của dân tộc, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL về việc quy định “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ ”; đồng thời chọn ngày 27/7 là ngày để nhân dân ta tỏ lòng “Hiếu nghĩa bác ái” và lòng yêu mến đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh và bệnh binh. Từ đó đến nay, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của sự nghiệp chăm sóc người có công, tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa, xã hội của dân tộc ta.

Thực hiện tư tưởng của Người, cùng với sự tôn vinh, biết ơn, Đảng, Nhà nước  có chính sách và các việc làm thích hợp để có sự đãi ngộ xứng đáng đối với những người có công đang còn sống và thân nhân những người đã hy sinh.

Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII trong thời kỳ đổi mới của đất nước đã xác định rõ: Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, và quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng... vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của nhân dân...

Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hai pháp lệnh quan trọng: Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó, nhiều vấn đề còn hạn chế trong chính sách ưu đãi trước đây được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, được thể hiện trong hệ thống các chính sách cụ thể với từng đối tượng có công.

Có thể nói, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chăm lo ưu đãi người có công với tất cả sự quý trọng, biết ơn và khả năng có thể. Chính sách với người có công không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn tôn vinh, khen thưởng, ghi nhận công lao với những danh hiệu cao quý, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Hàng loạt chính sách ưu đãi về kinh tế, xã hội đã được thực hiện.

Các ưu đãi của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện về nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe; các chương trình lồng ghép như xóa đói giảm nghèo, việc làm... đã thiết thực hỗ trợ người có công với cách mạng ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Phương châm thực hiện chính sách ưu đãi cũng dựa trên cơ sở 3 nguồn lực “Nhà nước, nhân dân và bản thân đối tượng”, luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực không thể thiếu để đạt mục tiêu của chính sách và bao giờ cũng là nguồn bổ sung phong phú để góp phần cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công.

Với truyền thống gắn bó, đoàn kết, chung lưng đấu cật chống thiên tai, địch họa trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đạo lý nhân ái thủy chung, “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành lẽ sống, là nét đẹp trong đời sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu đãi người có công với nước là chính sách lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO