Ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

T.M| 27/01/2015 08:45

Khoản 3, Điều 61, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Có thể nói, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, nhiều chính sách về giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã được ban hành, tạo điều kiện để giáo dục phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

Các chính sách về giáo dục tập trung vào việc phát triển mạng lưới trường lớp, đối với trẻ em, học sinh, sinh viên DTTS, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng DTTS và miền núi, hải đảo.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì hiện nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi ngày càng được củng cố và phát triển. Phần lớn thôn, buôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học.

Hầu hết các xã đã có trường THCS; các huyện đã có trường THPT; nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các địa phương vùng DTTS, vùng miền núi. Cơ sở vật chất trường lớp, các cấp học đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cơ bản đảm bảo các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

 Chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cũng đã quan tâm đến nhiều mặt và nhiều đối tượng (trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên...). Ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng DTTS, vùng miền núi…Trẻ em mẫu giáo ở miền núi, vùng DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Các em học sinh DTTS có chữ viết được học tiếng dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non theo quy định; trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách cử tuyển đã góp phần nâng cao cơ hội học tập và tạo động lực vươn lên cho học sinh vùng DTTS, vùng miền núi, đào tạo được đội ngũ trí thức dân tộc, tăng cường số lượng cán bộ có trình độ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.

Ngoài ra, học sinh vùng miền núi, vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp xã hội, được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Các địa phương đã thực hiện các chính sách đối với người học là người DTTS nhìn chung đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục cũng đang tiếp tục có những chính sách, giải pháp để từng bước rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền, thực hiện công bằng trong giáo dục. Cùng với việc phát triển mạng lưới trường, lớp vùng DTTS, vùng miền núi, thì ngành Giáo dục còn mở rộng đào tạo liên cấp THCS, THPT ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện ở các địa phương có nhu cầu.

Việc bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng DTTS và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh DTTS cũng ngày càng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục  ở vùng DTTS, vùng miền núi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO