Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh: Khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra

Nguyễn Hiền| 13/11/2017 10:08

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác thẩm tra. Tuy nhiên, hoạt động thẩm tra cũng còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh

Có lúc chưa kịp thời

Theo Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, do luôn chú trọng công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, nên kết quả thẩm tra bảo đảm kịp thời, đúng quy định, được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các đại biểu, sở ngành, cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, do có sự thay đổi của một số văn bản pháp luật mới, nên việc chuẩn bị các nội dung đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh có lúc chưa kịp thời, chưa thật sự tuân thủ đúng quy trình của pháp luật. Mặt khác, chất lượng soạn thảo các đề án, dự thảo nghị quyết chưa cao, một số nội dung chưa sát với thực tế.

Điển hình, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh vừa qua, một số đơn vị được phân công chuẩn bị nội dung đề án, dự thảo nghị quyết nhưng chất lượng chưa bảo đảm, nội dung sơ sài, số liệu còn chênh lệch giữa các ngành, chưa tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục. Đơn cử như dự thảo nghị quyết về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị tỉnh, giai đoạn 2016-2020, cơ quan chưa lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, chưa quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng chính sách, quá trình xây dựng chưa có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vì vậy, qua thẩm tra, Ban đã đề nghị không trình kỳ họp đối với dự thảo nghị quyết này.

Một số báo cáo, tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết của cơ quan soạn thảo gửi đến còn chậm so với quy định, nhưng do yêu cầu phát triển của tỉnh phải ban hành nên thời gian thẩm tra gấp rút. Các thành viên của Ban hoạt động kiêm nhiệm, nên chưa dành nhiều thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu, thu thập thông tin phục vụ thẩm tra. Sự phối hợp giữa Ban với cơ quan soạn thảo, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh lắm lúc chưa thật sự chặt chẽ.

ADQuảng cáo

Trong quá trình thẩm tra, một số thành viên đôi khi thiếu tinh thần chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch thẩm tra các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết. Chuyên viên giúp việc mỏng, năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, ít sáng tạo và còn bị động trong công việc.

Báo cáo thẩm tra cần có tính phản biện cao

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, để nâng cao chất lượng thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh và UBND tỉnh, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thẩm tra.

Thường trực HĐND tỉnh quy định cụ thể thời gian để UBND tỉnh, các cơ quan có thời gian soạn thảo, xây dựng dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng nội dung. Các cơ quan được giao soạn thảo phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Nội dung phải bảo đảm chất lượng, hoàn chỉnh, đúng tiến độ, gửi các Ban HĐND tỉnh thẩm tra đúng thời gian quy định.

Về phía Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh sẽ chủ động tiến hành khảo sát ở các địa phương, các ngành, các đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thẩm tra, không đợi đến sau khi nhận được tài liệu mới tiến hành thẩm tra. Trong quá trình giám sát, khảo sát, Ban sẽ chú trọng thu thập thông tin đa chiều, nhất là những thông tin phản ánh từ cơ sở, đối chiếu với các thông tin tổng hợp của các ngành, các địa phương để yêu cầu các đơn vị giải trình. Đối với các báo cáo, tờ trình mang tính chuyên môn sâu, Ban sẽ tham gia từ đầu, cùng các ngành chức năng khảo sát, xây dựng, tổ chức thảo luận lấy ý kiến.

Một giải pháp được coi là quan trọng nữa là các thành viên của Ban nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu tài liệu và tình hình thực tế liên quan đến nội dung thẩm tra. Các nội dung tham gia, thành viên chuẩn bị trước bằng văn bản, thể hiện rõ chính kiến, tránh tình trạng né tránh, nể nang hay tham gia một cách chung chung, hình thức. Đặc biệt, báo cáo thẩm tra cần xây dựng theo hướng có tính phản biện cao cũng như dành nhiều thời gian phân tích, đưa ra những giải pháp cụ thể, bảo đảm các đề án, nghị quyết thực thi có hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh: Khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO