Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa III: Làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Phan Tân| 10/12/2020 17:10

Chiều 10/12, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa III tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Video clip:

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải trả lời bổ sung chất vấn đối với Sở Công thương

Đối với Giám đốc Công an tỉnh, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, tình trạng  trộm cắp, nhất là trộm chó gây nhiều bức xúc cho người dân. Việc triển khai lắp đặt máy ghi hình tại phòng hỏi cung, nhà tạm giam như thế nào.  Giải pháp của Công an tỉnh trong phòng chống hàng giả, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu giả ra sao.

Hiện nay, nhiều hộ dân di cư đến địa bàn huyện Đắk Glong đã lâu nhưng chưa được cấp hộ khẩu, nguyên nhân chính là do sinh sống trên đất chưa hợp pháp. Mới đây, Chính phủ cho đốt pháo hoa không nổ, Công an tỉnh có giải pháp gì để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Tệ nạn ma túy có xu hướng xâm nhập vào trường học, giới trẻ, ngành Công an có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này…

Giám đốc Công an tỉnh Hồ Văn Mười trả lời chất vấn của các đại biểu

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Công an tỉnh Hồ Văn Mười cho biết, đối với tình trạng trộm cắp, Công an tỉnh đã, đang chỉ đạo, giao công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, bám nắm địa bàn, xử lý kiên quyết. Về phía người dân khi nuôi chó cần nhốt cẩn thận, không để chạy lung tung, vừa mất mỹ quan, vừa tạo thuận lợi cho kẻ gian thực hiện hành vi trộm cắp.

Về việc cấp hộ khẩu cho dân di cư tự do vào địa bàn huyện Đắk Glong nói riêng, toàn tỉnh nói chung hiện nay chưa thể thực hiện, vì không đủ điều kiện (sinh sống trên đất không hợp pháp). Đối với  việc chuyển, hợp thức hóa hộ khẩu cho người dân sống tại vùng giáp ranh giữa huyện Đắk Glong về TP. Gia Nghĩa, trong tuần tới, Công an tỉnh sẽ làm việc với công an các địa phương để tìm hiểu, giải quyết xong trong tháng 1.

Hiện tượng tệ nạn ma túy có xu hướng xâm nhập vào trường học, giới trẻ, thời gian qua Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục, địa phương, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết nếu có nghi ngờ và đến nay cơ bản chưa phát hiện trường hợp học sinh sử dụng ma túy.

Về việc triển khai ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can, hiện Bộ Công an xin Chính phủ lùi 1 năm; riêng Công an tỉnh rất mong muốn sớm triển khai để nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, phóng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Về đấu tranh với tội phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, Công an tỉnh thực hiện hiệu quả, quyết liệt. Nhiều chuyên án lớn như buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả, bột ngọt giả, in tiền giả được phát hiện, triệt phá thành công. Tuy nhiên, loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là đối với phân bón, thuốc trừ sâu giả, nên việc đấu tranh hết sức khó khăn. Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các biên pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép đốt pháo hoa không nổ trong các dịp lễ tết, liên hoan, Công an tỉnh tuân thủ, tạo điều kiện cũng như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra bảo đảm người dân thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, hệ thống chính trị cần phải vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện đúng, đồng thời hạn chế sử dụng pháo hoa trong dịp lễ tết. Hiện nay Công an tỉnh đang tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trong dịp Tết nguyên đán 2021, trong đó có pháo nổ. Công an cơ sở được giao trách nhiệm, nếu để xảy ra pháo nổ trên địa bàn thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Đại biểu Hồ Thị Nghĩa chất vấn Giám đốc Sở LĐTB-XH

Đối với Giám đốc Sở LĐTB-XH, các đại biểu đề nghị làm rõ giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, bởi hiện nay đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu thị trường, nên công tác giảm nghèo chưa bền vững.

Lý giải vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Công Tự cho rằng, thời gian qua công tác giảm nghèo đã được tỉnh quan tâm, đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, các ngành nghề đào tạo của tỉnh chủ yếu là nghề đơn giản, còn các ngành nghề theo yêu cầu xuất khẩu lại rất ít. Nguyên nhân là do cơ sở đào tạo và năng lực đào tạo nghề còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh các giải pháp để giảm nghèo bền vững; trong đó có các giải pháp về đào tạo nghề gắn với việc làm. Trước hết là nắm thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước để làm tốt công tác định hướng cho trường nghề trong đào tạo nghề. Mặt khác, ngành tham mưu xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với trình độ lao động, điều kiện của tỉnh. 

Giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Công Tự trả lời chất vấn của đại biểu

Về giải pháp giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết sẽ tập trung nâng cao nhận thức, ý thức thoát nghèo và đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Hiện nay, việc bố trí nguồn lực giảm nghèo rất phân tán, không tập trung, nên sau khi có chương trình giảm nghèo bền vững 2021-2025, sở sẽ tham mưu tỉnh giao một cơ quan làm đầu mối để tập trung nguồn lực. Cùng với nghị quyết của tỉnh, từng ngành, địa phương xây dựng chương trình thực hiện cụ thể, sát với điều kiện của địa phương.  

Đại biểu cũng đã chất vấn Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Thị về những vấn đề liên quan đến bất cập trong phát triển điện năng lượng mặt trời; tình trạng yếu kém trong phát triển công nghiệp chế biến, tìm kiếm thị trường…

Theo chương trình ngày mai 11/12, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa III tiếp tục chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, tiến hành công tác nhân sự, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa III: Làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO