Phải đánh giá, rút kinh nghiệm việc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động trong dân cư

Nguyễn Hiền| 09/11/2020 09:45

Việc huy động các nguồn vốn trong dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác góp phần đáng kể trong đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh, công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động này từ năm 2016 - 2019 còn nhiều bất cập.

ADQuảng cáo

Những tác động tích cực và vấn đề từ thực tiễn

Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2019, tổng số tiền huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh khoảng 214 tỷ đồng. Việc huy động đóng góp của người dân để đầu tư hạ tầng đã có những tác động tích cực, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa… được hỗ trợ đầu tư.

Tuyến đường liên thôn ở xã Nam Đà (Krông Nô) được xây dựng theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"

Việc huy động các khoản thu xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục góp phần xây mới, sửa chữa một số trường, lớp học và trang bị cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu học tập của con em. Các công trình có nguồn vốn lồng ghép huy động đóng góp nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Hầu hết các dự án thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phù hợp với thiết kế mẫu. Việc lập dự án đầu tư cơ bản bám sát quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Trong số 214 tỷ đồng huy động được có 184 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng 628 công trình, dự án. Trong đó, người dân chủ yếu hiến đất, đóng góp bằng ngày công lao động, chi phí máy móc…

Một số huyện đã thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đóng góp của người dân là  Đắk Song, Cư Jút, Đắk Mil. Những địa phương còn lại, phần lớn các công trình huy động không đạt theo tỷ lệ quy định. Điển hình như huyện Đắk R’lấp chỉ huy động được 112/157 công trình; Đắk Glong: 49/57 công trình; Krông Nô: 25/75 công trình… Do việc huy động không đạt kế hoạch nên nhiều công trình không quyết toán được.

Theo quy định, đối với kinh phí người dân đóng góp thực hiện quyết toán theo giá trị đóng góp thực tế trong giá trị công trình được nghiệm thu, không hạch toán vào thu chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện của các địa phương còn nhiều lúng túng. Đến nay, vẫn còn 423/628 công trình, dự án sử dụng vốn huy động đóng góp chưa được quyết toán, tập trung nhiều nhất tại huyện Đắk R'lấp 153/157, Đắk Glong 55/57 và Tuy Đức 94/102.

Việc huy động nguồn vốn đóng góp của người dân đúng theo định mức, tỷ lệ quy định nhưng nhiều công trình, dự án, nhất là các đường giao thông nông thôn huy động quá khả năng của người dân. Một số địa phương do áp lực xây dựng nông thôn mới phải huy động thực hiện cùng một lúc nhiều công trình, trong khi đời sống của người dân còn khó khăn.

ADQuảng cáo

Thiếu sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời

Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, hồ sơ huy động nguồn vốn đóng góp của người dân chưa chặt chẽ, chưa thể hiện sự đồng tình của người dân như: thiếu biên bản họp thôn hoặc biên bản không thể hiện số hộ dân tham gia và số hộ đồng tình. Một số biên bản chỉ mang tính hình thức, không có chữ ký xác nhận của người dân. Một số công trình, dự án chưa được HĐND xã thông qua bằng nghị quyết, chỉ có văn bản của Thường trực HĐND xã đồng ý chủ trương triển khai thực hiện.

Công trình vệ sinh Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) vì nhiều nguyên nhân chưa bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng

Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng hạ tầng nhiều nơi thiếu sự quan tâm sâu sát, hướng dẫn kịp thời. UBND các xã còn lúng túng trong quá trình lập dự toán hồ sơ xây dựng và trình cơ quan chuyên môn huyện thẩm định, tổ chức thực hiện thi công và quyết toán dự án hoàn thành. Một số công trình thi công sai bản vẽ.

Việc thẩm định nghiệm thu chất lượng các công trình, dự án còn thiếu đồng bộ. Một số công trình chưa hoàn chỉnh, chưa bàn giao đã đưa vào sử dụng. Một số chủ đầu tư chậm thực hiện thanh toán giải ngân kế hoạch vốn đã được bố trí đầu năm. Trong khi đó, một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa chỉ đạo quyết liệt, giám sát làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư.

Cần nâng cao vai trò quản lý

Qua giám sát, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 về quy định tỷ lệ mức đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, UBND tỉnh phải đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế cần rút kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng chính sách giai đoạn tiếp theo. Các sở, ngành chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện.

UBND tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp, có biện pháp xử lý đối với những đơn vị, địa phương buông lỏng quản lý. UBND tỉnh cần hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thông tin truyền thông, chất lượng đội ngũ cán bộ vận hành tại các xã để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động người dân.

HĐND tỉnh đề nghị phải chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư hoàn tất các hồ sơ thủ tục để quyết toán hoàn thành các công trình, dự án. Các địa phương chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình, dự án sau đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của ban giám sát cộng đồng. Đối với những công trình không bảo đảm chất lượng, hư hỏng xuống cấp phải có biện pháp sửa chữa để phát huy hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải đánh giá, rút kinh nghiệm việc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động trong dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO