Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng

Nguyễn Văn Thanh| 04/06/2020 09:08

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc giáo dục thế hệ thiếu niên, nhi đồng luôn là kho tàng quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950), trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc này dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất nhưng Bác Hồ vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công. Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.

Đoàn đại biểu học sinh Trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1956). Ảnh tư liệu

Xưa nay, ở nước ta và ngay cả trên thế giới hiếm có vị lãnh tụ nào dành nhiều tình cảm, suy nghĩ và cả thời gian, vật chất quý báu cho các cháu thiếu niên nhi đồng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn giản là một tình cảm thông thường. Đó còn là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với ý thức rõ rệt là các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc vào ngày 25/8/1950, Bác nhắc nhở: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu viết cho Bác như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm nên tránh”. Những ý kiến trên của Bác chẳng những thể hiện tính thận trọng đối với những gì có thể ảnh hưởng đến thiếu nhi mà còn thể hiện tính chất nhân đạo rất mực của Người.

Sự quan tâm vô bờ bến của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng trong một câu chuyện “trồng người” được ghi lại rất xúc động. Hôm ấy vào tháng Chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở Tả Ngạn thì có xe đến đưa về Thủ đô gặp Bác Hồ. Sau khi Bác cháu trò chuyện, Bác bảo các cháu vào ăn cơm cùng với Bác; trong số đó có một cháu người nhỏ quá chỉ thấy có cái đầu lấp ló sau bàn ăn nên được Bác gắp thức ăn cho luôn. Bữa cơm với Bác rất đạm bạc nhưng rất vui. Cảm động nhất là khi nghe Bác nói: “Vì Bác nhớ các cháu quá nên cho xe lên đón các cháu về đây hỏi chuyện”. Các dũng sĩ miền Nam, cảm động, trào nước mắt.

Cho đến ngày Bác đi xa, trong Di chúc của mình, Bác vẫn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. “Bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, Bác nói rõ ràng như thế, Bác hy vọng ở thế hệ trẻ, hy vọng ở thiếu niên, nhi đồng và việc đó là cái việc mà Đảng mà Nhà nước ta phải hết sức chú ý.

Thực hiện tư tưởng và Di chúc của Bác Hồ về vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng trong đời sống xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Hiến pháp, luật, hàng trăm văn bản để bảo vệ quyền trẻ em... Các văn bản tạo thành hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng không chỉ khẳng định vai trò chủ thể độc lập của trẻ em trong xã hội mà còn là cơ sở để gia đình, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhà nước có những hoạt động, chính sách phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích của các em.

Năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Năm 1959, Tuyên bố về quyền trẻ em được ra đời; năm 1989, Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết vào ngày này (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai của thế giới ký vào công ước này. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thực hiện lời dạy của Người, từ trong đạo lý truyền thống đến các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, chúng ta luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất. Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau vẫn luôn cất cao lời hát:

"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO