Bác sĩ Tầm nhân hậu, hết lòng vì việc thiện

Thanh Nga| 26/06/2017 11:03

Bác sĩ Đặng Thị Tầm đã có 30 năm gắn bó với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Tầm lại tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Nông. Với tấm lòng của một lương y và lòng nhiệt huyết, bác sĩ Tầm đã giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Tầm (người đứng thứ 2 từ phải sang) cùng chồng đến thăm vợ chồng anh Dương Tiến Lâm

Người mẹ của những đứa trẻ hoàn cảnh éo le

Sinh ra và lớn lên ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), nhưng “cơ duyên” đã đưa bác sĩ Tầm gắn bó với công việc chữa bệnh, cứu người trên mảnh đất Tây Nguyên. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Huế, bác sĩ Tầm đến công tác tại Gia Nghĩa. Trải qua nhiều đơn vị, dù ở cương vị nào, bác sĩ Tầm cũng đều đem hết tâm huyết, chuyên môn phục vụ bệnh nhân và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Tầm nhớ lại: “Giai đoạn từ 1985-1988, ở Tây Nguyên có rất nhiều người dân bị bệnh sốt rét, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là phụ nữ mang thai thì càng nguy hiểm và có nguy cơ sẩy thai cao. Trước thực tế đó, tôi đã dành thời gian nghiên cứu phác đồ điều trị giúp phụ nữ mang thai vừa điều trị bệnh sốt rét vừa giữ được thai nhi và đã thành công, được ngành Y tế Đắk Lắk đưa vào điều trị rộng rãi”.

Đặc biệt, ngoài nuôi dạy 2 người con của mình, từ năm 1992-2009, bác sĩ Tầm đã nhận nuôi 4 cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường và học nghề, đến nay đều đã có việc làm ổn định, lập gia đình.

Người đầu tiên là Nguyễn Gia Hoàn (SN 1982), quê ở xã Yên Bình, huyện Ý Yên (Nam Định) mồ côi mẹ năm 11 tuổi. Trong một lần tình cờ gặp và biết được hoàn cảnh, bác sĩ Tầm đã bàn với chồng nhận nuôi Hoàn và cho đi học hết phổ thông, sau đó học nghề lái xe. Hiện nay, Hoàn đã lập gia đình tại quê hương và làm ăn ổn định, cách đây 1 năm đã xây dựng được một cơ sở sản xuất gạch.

Người thứ 2 là Nguyễn Thị Bích Phụng (SN 1985), mồ côi mẹ lúc 15 tuổi và cùng quê ở xã Điền Hòa với chị Tầm. Phụng được bác sĩ Tầm cho đi học trung cấp y, sau đó làm việc tại Đắk Lắk và cũng đã lập gia đình.

Người thứ 3 là Đậu Văn Huy (SN 1987) ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Huy còn bố, mẹ, anh, chị, nhưng gia đình khó khăn về kinh tế nên phải nghỉ học và đến xin việc làm tại gia đình của bác sĩ Tầm. Thấy Huy còn độ tuổi đi học nên bác sĩ Tầm tiếp tục cho Huy đi học và phụ giúp gia đình công việc nhà, sau đó cho đi học lái xe, rồi học trung cấp y. Hiện nay, Huy đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh Đắk Nông và cũng đã lập gia đình.

ADQuảng cáo

Người thứ 4 là Vũ Văn Hải (SN 1988), quê ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Bố của Hải đi bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ. Hải bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố nên bị mù mắt bên trái. Hải cũng đến xin việc làm và được gia đình bác sĩ Tầm cho đi học bổ túc. Sau đó, Hải về quê chăm sóc chị bị bệnh tâm thần.

Bác sĩ Tầm chia sẻ: “Trước đây, khi nhận nuôi, gia đình tôi tạo điều kiện cho các cháu vừa đi học vừa làm việc để sau này có việc làm và cuộc sống tốt hơn. Tôi rất mừng là hiện nay, tất cả các cháu đều có cuộc sống ổn định, lập gia đình đàng hoàng. Các cháu cũng thường xuyên liên lạc với gia đình tôi qua điện thoại và kể chuyện về cuộc sống. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã góp phần giúp đỡ các cháu ở những thời điểm khó khăn nhất”.

Lan tỏa tấm lòng thiện nguyện

Hành trình làm việc thiện của bác sĩ Tầm có lẽ như là “cơm ăn, áo mặc” hàng ngày và đều xuất phát từ cái tâm.

Có lẽ xuất phát từ trái tim nhân hậu ấy, nên mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng từ năm 2013 đến nay, bác sĩ Tầm vẫn tiếp tục cống hiến, gắn bó với công việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Những năm qua, bác sĩ Tầm đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể hỗ trợ về tinh thần, vật chất để giúp các nạn nhân giảm bớt những gánh nặng trong cuộc sống. Bản thân gia đình bác sĩ Tầm cũng đã hiến tặng đất giúp 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Anh Dương Tiến Lâm, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) bị ảnh hưởng chất độc da cam tâm sự: “Khi mới được sinh ra, tôi đã bị teo cơ 2 chân và tay, xương sống, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Cách đây 4 năm, mẹ của tôi bị bệnh hiểm nghèo và chết, tôi lại bị mất việc làm vì sức khỏe yếu. Trong lúc cảm thấy thất vọng, suy sụp nhất, tôi may mắn gặp được bác sĩ Tầm. Tình thương yêu của cô Tầm đã giúp tôi lấy lại niềm tin về cuộc sống. Cô Tầm đã tạo việc làm cho tôi và cho tôi học thêm nghề sửa chữa điện tử, tin học. Năm 2013, gia đình cô Tầm đã tặng cho tôi khu đất ngay tại trung tâm thị xã và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây cho tôi được căn nhà nho nhỏ. Riêng bác sĩ Tầm cũng tặng thêm 50 triệu đồng”.

Tháng 6/2014, bác sĩ Tầm cũng giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Văn Vương và bà Trần Thị Liên ở tổ dân phố 7, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) mảnh đất và vận động xây dựng căn nhà hơn 150 triệu đồng; trong đó gia đình bác sĩ Tầm ủng hộ hơn 50 triệu đồng.

Chỉ tính riêng từ năm 2013-2015, bác sĩ Tầm đã vận động gia đình giúp đỡ 4 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam 324 triệu đồng và còn ủng hộ xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố, bếp ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các hoạt động thiện nguyện khác. Bác sĩ Tầm tâm sự: “Khi giúp được một người để họ vươn lên, thành công thì mình cảm thấy rất là mừng"...

Mới đây, bác sĩ Tầm đã vinh dự được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn là 1 trong số 14 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ghi nhận những cống hiến của bác sĩ Tầm, tỉnh, các cấp, ngành đã tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng đối với bác sĩ Tầm, phần thưởng cao quý nhất đó là đã góp phần “tiếp lửa”, thắp lên niềm tin, những nụ cười, niềm hy vọng cho những mảnh đời khó khăn và lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ Tầm nhân hậu, hết lòng vì việc thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO