Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức: Luôn đỏ lửa vì bệnh nhân nghèo

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 05/11/2018 10:33

Từ nhiều năm nay, Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức luôn duy trì hoạt động để phục vụ những bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú.

ADQuảng cáo

Bà Hoàng Thị Dung ở xã Quảng Trực có con trai bị tai nạn xe máy đã nằm viện gần một tuần. Khoảng thời gian này, ngày nào mẹ con bà cũng ăn cơm do bếp ăn tình thương cấp. Bà Dung cho biết: “Nhà tôi nghèo, nên được ăn cơm miễn phí thế này mừng lắm. Nhiều lúc nghĩ, không có những suất cơm tình thương thì hai mẹ con cũng chật vật với khoản ăn uống hàng ngày. Tôi thấy cơm các sơ nấu rất ngon, đủ chất hơn ở nhà mình”.

Trong mỗi bữa ăn, các xơ đều đến từng phòng bệnh, hỏi thăm bệnh nhân và người nhà để có sự điều chỉnh suất ăn cho phù hợp

Chị Thị Yá ở xã Quảng Trực cũng chăm sóc con nằm viện nhiều ngày. Nhà xa, con đông, nên một đứa con ốm là cả 4 mẹ con cùng lên viện để thuận tiện trông nom. Những suất cơm miễn phí không chỉ giúp mẹ con chị no bụng mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí để mua cho con ốm hộp sữa.

Chị Vũ Thị Minh Đức, nhân viên Bếp ăn tình thương chia sẻ: “Trong mỗi bữa ăn, chúng tôi đều đến từng phòng bệnh, hỏi thăm bệnh nhân và người nhà món ăn chế biến vừa miệng hay không, mặn hay nhạt, cơm cứng hay nhão để lần sau rút kinh nghiệm. Khi các bệnh nhân đều vui và nói các món ăn ngon, ăn hết khẩu phần được cấp, chúng tôi cũng vui lây và có động lực gắn bó hơn với công việc này”.

Những suất ăn miễn phí đồng hành và làm ấm lòng bệnh nhân nghèo

Mỗi ngày, ngoài thời gian chuẩn bị ba bữa ăn, những người phục vụ bếp ăn còn tăng gia sản xuất, trồng rau, củ, quả để tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguồn rau sạch cho bệnh nhân. Bà Bùi Thị Lan, Phụ trách Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức cho biết: “Bệnh nhân sức khỏe yếu, nên chúng tôi cố gắng trồng rau để phục vụ bếp ăn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Các loại rau luôn được thay đổi để người bệnh không ngán.

ADQuảng cáo

Từ ngày bếp ăn hoạt động, nhiều bệnh nhân sau khi ra viện lại mang măng, rau, củ, quả nhà trồng được đến để chúng tôi nấu cho những bệnh nhân đang điều trị nội trú. Công việc nói không vất vả thì không đúng, nhưng mình cứ làm hết sức bằng tình yêu thì sẽ vượt qua được. Chính tình cảm, sự gắn bó của người bệnh sau khi xuất viện đã giúp chúng tôi thấy được ý nghĩa công việc để ngày càng làm tốt hơn.

Các sơ tự trồng rau để việc nấu ăn bảo đảm an toàn cho người bệnh

Điều đáng trân trọng, cũng trong những lần phát cơm cho bệnh nhân, nghe nói về hoàn cảnh gia đình, các sơ biết được, hiện nay nhiều nữ thanh niên dân tộc thiểu số không có việc làm. Vì vậy, các sơ đã liên hệ để mở các lớp dạy nghề may miễn phí cho các em vào dịp hè. Đến nay, các sơ đã mở được 2 lớp, mỗi lớp 17 em, trong đó 4 em đã xin được việc làm tại các doanh nghiệp may. 5 học viên xuất sắc được hỗ trợ 5 máy may để phục vụ nhu cầu gia đình và có thể hành nghề, việc làm, thu nhập.

Em Thị Vân ở bon N’Rung, xã Đắk Búk So cho biết: “Em học nghề may được 3 tháng, bây giờ đã biết cắt may quần áo đơn giản. Vừa qua, em được hỗ trợ một cái máy may, nên thường dùng để may quần áo cho các thành viên trong gia đình và bà con trong bon. Hiện nay, em đang tiếp tục theo học để nâng cao tay nghề và mong muốn sẽ phát triển nghề lâu dài”.

Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức mỗi ngày phục vụ cả 3 bữa sáng, trưa, chiều. Công việc của những sơ phục vụ tại đây cũng vất vả, dậy từ rất sớm để nấu cháo cho bệnh nhân vào bữa sáng, sau đó, lại chuẩn bị bữa trưa rồi bữa chiều.

Theo ông Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức, Bếp ăn tình thương được thành lập và đi vào hoạt động vài năm. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nên việc bảo đảm các suất ăn cho bệnh nhân hàng ngày là điều rất khó. Vì vậy, trong một lần gặp gỡ, trao đổi với bạn bè ở huyện Đắk Mil, đơn vị đã kết nối với Giáo xứ Xã Đoài. Giáo xứ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cháo, cơm cho bệnh nhân nghèo tại các huyện, nên khi đặt vấn đề rất được đồng tình ủng hộ. Cũng nhờ đó, Bếp ăn tình thương đã được duy trì thường xuyên. Bệnh nhân chủ yếu là hộ nghèo, dân tộc thiểu số đến từ các xã trên địa bàn huyện. Trung bình, mỗi bữa, bếp ăn phục vụ ít nhất là 30 suất cơm, cháo miễn phí. Từ ngày hoạt động đến nay, các bữa ăn đều bảo đảm an toàn, bệnh nhân rất phấn khởi, tin tưởng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức: Luôn đỏ lửa vì bệnh nhân nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO