Chăm lo sự nghiệp trồng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Thế Tư| 23/11/2015 10:05

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sứ mạng cao cả của đội ngũ thầy cô giáo là góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, khi nền kinh tế tri thức tác động mạnh mẽ, mở cửa hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của người thầy càng quan trọng, Người chỉ rõ “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”.

Trong giờ học của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa). Ảnh: Nguyễn Hiền

Điều đó càng có ý nghĩa khi giáo dục đào tạo đang vận động theo quy luật “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, nhằm phát huy năng lực tư duy sáng tạo ở người học, lấy người học làm trung tâm…

Nhận rõ vai trò của phương pháp dạy học nên Người phác thảo phương pháp dạy “Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao”; rằng “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”.

Triết lý học đi đôi với hành luôn được Người xác định trở thành phương châm trong dạy học cũng như huấn luyện cán bộ “Học và thực hành kết hợp với nhau…Học đi đôi với lao động. Lý luận đi đôi với thực hành”.

Nhận rõ tầm quan trọng của nghề dạy học, Bác Hồ đòi hỏi rất cao nhân cách của thầy, cô giáo. Bởi nhân cách trong sáng, mô phạm sẽ tác động trực diện, có sức lan tỏa đến các em học sinh. Người ví “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước".

ADQuảng cáo

Hồ Chí Minh đã luận giải mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài, thiếu một trong hai yếu tố đó thì khó có thể hoàn thành được trọng trách dạy học. Người chỉ rõ “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị… cho nên thầy cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Người cho rằng nếu thầy, cô giáo thiếu đi tấm lòng, nhân cách thì hậu quả của nó thật khôn lường “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng… Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn…”; "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức". Xuất phát từ ý nghĩa xã hội to lớn của đạo đức nên Người chỉ rõ “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là gốc, rất quan trọng”.

Trong bài nói chuyện với học sinh và giáo viên Trường phổ thông cấp III Chu Văn An (Hà Nội), (31/12/1958), Người nhắc nhở “Các thầy, cô giáo, các cháu cần luôn bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh tiêu diệt cá nhân chủ nghĩa”. Vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân làm cho một số ít thầy cô giáo xa rời chuẩn mực đạo đức nghề giáo. Đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng cao nên các thầy cô giáo phải chủ động, cập nhật kiến thức. Đó là cơ sở không chỉ giúp thầy cô giáo giảng dạy tốt, học trò hiểu kỹ, nhớ lâu mà còn nâng cao năng lực, phương pháp tư duy cho học sinh.

Bởi thế, Người luôn nhắc nhở thầy cô giáo không nên sớm bằng lòng với kiến thức hiện có mà phải tích cực học tập để nâng cao trình độ “cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại”. “Tất cả các giáo viên chớ nên cho học thế này đã là đủ, mà phải tiếp tục học thêm để tiến bộ mãi”.

Thấm nhuần tư tưởng quan điểm của Người về giáo dục, tại Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, Đảng ta xác định “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Cần hướng vào “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn…, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách”.

Dạy học là một nghề cao quý, được cả xã hội tôn vinh, kính trọng. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giáo dục, đối với thầy cô giáo vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế cho thấy, ngành giáo dục đang dồn sức, tạo lập thể chế, bằng những biện pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trách nhiệm chính trị đó phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò đội ngũ thầy, cô giáo với cả tấm lòng và trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Đây là nhân tố để quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, hình thành xã hội học tập được hiện thực hóa trong cuộc sống. Tự hào với thiên chức cao cả của ngành, mỗi thầy cô giáo cần thấu cảm lời dạy sâu sắc của Người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo sự nghiệp trồng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO