Cựu chiến binh nhân ái, chăm lo làm ăn, gắn bó với hoạt động xã hội

Hoàng Hoài| 27/11/2019 09:09

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Trần Khắc Hảo ở thôn 8, xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) luôn phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng để người dân học tập.

ADQuảng cáo

Ngoài phát triển cà phê, ông Hảo còn trồng dâu, nuôi tằm để có nguồn thu ổn định

Thấy vui khi trả được tiền cho người đánh rơi

Thời điểm này, đến xã Nhân Cơ, hỏi chuyện về ông Hảo ai cũng biết. Bởi mới đây, ông đã nhặt được 100 triệu đồng và trả lại cho người bị rơi. Qua lời kể của ông Nguyễn Văn Thượng ở thôn 8, chúng tôi được biết, vào khoảng tháng 7, khi đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Nhân Cơ để gửi tiền cho con, nhưng lúc này ngân hàng đóng cửa nên ông Thượng vội đi qua ngân hàng khác, không may làm rơi 100 triệu đồng.

Ông Thượng cho biết: Khi đến ngân hàng khác lấy tiền để gửi cho con thì tôi mới biết mình làm rơi tiền lúc nào rồi. Nghĩ mãi cũng không biết nó rơi đâu, trời thì mưa to, nên tôi đành về nhà. 100 triệu đồng này là số tiền thu hoạch sầu riêng của gia đình trong một năm trời chăm sóc. Tiền mất, vợ chồng buồn lắm, như người mất hồn, nhưng chỉ biết an ủi nhau coi như của đi thay người. Vậy mà chỉ hơn 1 giờ sau, một người hàng xóm  đến nhà hỏi chuyện và nói có người nhặt được đang tìm để trả, tôi bán tín, bán nghi, không dám tin đây là sự thật. Sau một lúc định thần lại, tôi không kịp thay quần áo mà mặc luôn bộ đồ ở nhà, đi đầu trần qua nhà hàng xóm để gặp người nhặt được tiền của mình. Khi đến nơi, thấy ông Hảo kể nhặt được tiền và trả lại, tôi mừng rơi nước mắt, chân tay cứ run hết cả lên. Tôi làm theo quán tính là lấy tiền ra và biếu lại ông Hảo 10 triệu đồng để cảm ơn, nhưng ông không lấy. Đúng là trong xã hội vẫn còn những người tốt thực sự.

Theo ông Hảo kể lại, lúc đó do bị bệnh, mùa màng chưa thu hoạch, nên ông lên ngân hàng vay mượn ít tiền để đi chữa bệnh. Cũng như ông Thượng, khi đến trời mưa to, ngân hàng đóng cửa, nên ông ra về. Vừa ra đến cổng, ông thấy túi ni lông ở ngay cổng, nghi là túi tiền nên ông nhặt lên. Ban đầu, ông Hảo vụt qua suy nghĩ, nhặt được tiền này thì việc khám bệnh không cần lo rồi. Nhưng khi cầm tiền trên tay, ông lại nghĩ tới người mất tiền cũng đang đi tìm và bất an, nên ông đã tìm cách để trả lại cho người mất.

Quyết định như vậy, nhưng do đi một mình, ông không dám tự mở túi ni lông ra để xem có giấy tờ tùy thân của người rơi tiền không, mà chạy một mạch về nhà của người bạn để có người chứng kiến. Hai ông mở ra và thấy số tiền 100 triệu đồng và 1 chứng minh nhân dân của ông Thượng. Sau đó, người bạn của ông sau khi gọi điện cho ông Thượng không được thì đã lên nhà để báo đến nhận lại tiền.

ADQuảng cáo

Ông Hảo cho biết: Khi trả được tiền cho người bị mất, tôi thấy vui hơn bao giờ hết. Đây là số tiền không hề nhỏ, người làm rơi chắc cũng như đang ngồi trên đống lửa, lo lắng, bất an. Còn tôi luôn quan niệm, cái gì không phải của mình thì sẽ không bao giờ lấy, nên khi được biếu một ít làm quà, tôi cũng không nhận.

Nuôi cá cũng là hình thức tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của ông Hảo

Còn sức khỏe thì còn lao động

Dù cuộc sống của ông không phải dư dả gì nhiều, nhưng ông luôn có một lòng hướng thiện và sự nỗ lực vươn lên đáng kể. Xuất phát từ nghèo khó, ông Hảo đã kiên trì bám trụ với nương rẫy, chăm chỉ làm ăn để từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và xây dựng đời sống mới. Hiện nay, gia đình ông có 4 ha đất trồng cà phê xen cây ăn trái, nuôi dê, trồng dâu nuôi tằm, đào ao thả cá…

Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn đã nhiều năm nay. Tôi thường xuyên đi tuyên truyền, vận động bà con xóa nghèo, phát huy tinh thần nhân ái, đoàn kết, sống theo pháp luật mà bản thân gia đình mình nghèo thì nói ai nghe, làm ai tin. Hơn nữa, kinh tế ổn định chính là động lực để tôi có điều kiện gắn bó với việc thôn, việc xóm cũng như giúp đỡ những người khó khăn hơn mình lúc hoạn nạn.

Ông Trần Khắc Hảo ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Theo ông Hảo, mặc dù ai cũng khuyên ông trồng một loại cây công nghiệp thôi để dễ chăm sóc, nhưng ông lại nghĩ nếu độc canh một loại cây khi mất thì mất hết, chưa kể thời gian thu hoạch lâu. Do đó, ngoài cây chính là cà phê, ông đều trồng thêm các loại cây ăn trái, nuôi thêm dê, cá và nuôi tằm để lúc nào cũng có nguồn thu.

Hiện nay, dù tuổi cao, bệnh tật cũng nhiều, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình ngừng lao động, hưởng thụ cuộc sống tuổi già. Ngược lại, ông luôn nhắc nhở bản thân còn sức khỏe thì còn lao động để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa dễ thuyết phục bà con và có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu chiến binh nhân ái, chăm lo làm ăn, gắn bó với hoạt động xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO