Đoàn kết là phải tin dân, dựa vào dân!

Tường Mạnh| 16/02/2017 09:18

Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình chống thiên tai, địch họa, đòi hỏi cộng đồng dân tộc phải sát cánh, đoàn kết, chung lưng đấu cật cùng nhau dựng nước và giữ nước. Truyền thống đoàn kết đã làm nên sức mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và luôn trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đất nước bị họa xâm lăng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với bà con nông dân và cán bộ huyện, xã, hợp tác xã Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên ngày 3/2/1958. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Người, đại đoàn kết là đoàn kết các tầng lớp, thành phần, giai cấp, trước hết là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Đó là cái nền của nhà, cái gốc của cây, nhưng có nền vững, gốc tốt rồi, thì chúng ta phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân khác. Lời dạy đoàn kết của Người chính là đoàn kết toàn dân Việt Nam yêu nước. Còn đoàn kết quốc tế là đoàn kết với nhân dân tiến bộ thế giới nhằm ủng hộ và giúp đỡ cách mạng Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là ngọn cờ tập hợp lực lượng, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định thành bại của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết ở mức độ càng cao thì lực lượng càng đông, sức mạnh càng lớn.

Đoàn kết tạo ra sức mạnh vô địch cho cách mạng thành công. Có đoàn kết, chúng ta mới chống lại được âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch. Thực hiện đại đoàn kết chính là để khắc phục những hiện tượng mất đoàn kết trong Đảng, cơ quan, nội bộ nhân dân. Đại đoàn kết còn là trường học đào tạo, rèn luyện cán bộ cho Nhà nước và nhân dân.

Trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, đoàn kết là phải tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân. Dân là trung tâm; dân là gốc rễ, nền tảng, chủ thể của đại đoàn kết; dân là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng.

Trong những năm qua, khắc sâu lời dạy “đại đoàn kết dân tộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã phấn đấu không mệt mỏi, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn giữ vững truyền thống yêu nước, gắn bó với Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng bào các dân tộc ngày càng ý thức rõ hơn về những đổi thay của đất nước, của địa phương, biết được giá trị đích thực của nền độc lập dân tộc, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo đã làm cho đồng bào phấn khởi làm ăn, xây dựng cuộc sống mới, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo được sự đoàn kết rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết ở tỉnh ta luôn gắn chặt với việc kiên trì đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng. Buôn, bon, thôn, tổ dân phố là địa bàn trọng yếu của công tác xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng đối với chính sách đại đoàn kết có ý nghĩa quyết định đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với cả nước, tỉnh Đắk Nông cũng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, sự nỗ lực, đoàn kết trong từng cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đồng bào các dân tộc chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết là phải tin dân, dựa vào dân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO